Không quân Ấn Độ (IAF) có hơn 242 tiêm kích Su-30 MKI (tính cả số máy bay đã đặt hàng là 272) và họ gọi loại phi cơ này là "chiến đấu cơ thống trị bầu trời". Tuy nhiên, chỉ trong vòng 6 năm, Ấn Độ chứng kiến 6 vụ rơi máy bay Su-30 MKI, do các nguyên nhân như lỗi của phi công, vật thể bên ngoài lọt vào động cơ, lỗi trong hệ thống phóng và hệ thống điều khiển điện tử.
Trước việc Ấn Độ liên tục gặp thiệt hại về Su-30 MKI, tác giả Rakesh Krishnan Simha đã đưa ra một số nguyên nhân có thể giải thích cho vấn đề này trên trang RBTH.
Cường độ huấn luyện cao
IAF là một trong số ít các lực lượng không quân trên thế giới tiến hành huấn luyện cường độ cao quanh năm. Chuyên gia Benjamin Lambeth thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết IAF huấn luyện để chuẩn bị cho tình huống xung đột "ác liệt, rủi ro cao".
Phi công của IAF luôn phải giữ tâm lý sẵn sàng cho một cuộc chiến có thể nổ ra bất cứ lúc nào, do những căng thẳng với quốc gia láng giềng Pakistan và Trung Quốc. Một cuộc tập trận không quân có thể có sự tham gia của hàng trăm phi cơ bay hàng nghìn cây số.
Trong cuộc tập trận năm 2013, các máy bay Sukhoi được tiếp liệu trên không đã bay 1800 km từ Assam đến mặt trận phía tây để thực hiện nhiệm vụ ném bom. Các phi công Ấn Độ cũng có những lúc phải bay liên tục hơn 10 giờ trên những chiếc tiêm kích Sukhoi.
Việc huấn luyện như vậy gây ra nhiều căng thẳng cho máy bay, phi công và đội ngũ hỗ trợ, làm tăng khả năng xảy ra tai nạn. Nhưng đó là cách IAF huấn luyện cho tình huống chiến tranh. Một lãnh đạo không quân Ấn Độ đã nói rằng ông thà mất phi công trong huấn luyện còn hơn trong chiến tranh.
Môi trường khắc nghiệt
Khí hậu nhiệt đới của Ấn Độ là môi trường khắc nghiệt cho bất kỳ loại máy bay nào. Không khí nóng có nghĩa là động cơ máy bay tạo ra ít lực đẩy và cánh tạo ra ít lực nâng so với các máy bay tương tự trên bầu trời châu Âu. Đường băng nóng do ánh nắng mặt trời cũng ảnh hưởng đến độ an toàn khi hạ cánh.
Chim lao vào máy bay cũng là một yếu tố rất lớn trong các vụ tai nạn máy bay trên khắp Ấn Độ. Không quân Ấn Độ ước tính khoảng 10% các vụ tai nạn là do chim đâm. Hầu hết căn cứ quân sự Ấn Độ được đặt gần khu vực đông dân cư - những nơi có nhiều chim sinh sống.
IAF năm 2014 đã cho 4 công ty đấu thầu để tìm mua 45 hệ thống phát hiện và giám sát chim, lắp đặt tại các sân bay và căn cứ không quân trên khắp Ấn Độ.
Thiếu máy bay huấn luyện
Theo số liệu Bộ Quốc phòng Ấn Độ công bố tháng 3/2013, không quân Ấn Độ đã mất đi tương đương một phi đội máy bay chiến đấu (khoảng 18 chiếc) vì các vụ tai nạn trong khoảng thời gian hai năm. Điều này chủ yếu do thiếu máy bay huấn luyện.
Thông thường, các phi công tân binh sẽ bắt đầu với máy bay huấn luyện cơ bản, sau đó chuyển sang loại trung cấp (IJT), và trước khi tốt nghiệp sẽ dùng loại cấp cao (AJT). Ba giai đoạn này rất quan trọng trong việc đào tạo phi công chiến đấu. Bất kỳ "lối tắt" nào chắc chắn sẽ dẫn đến thảm họa, Simha nhận xét.
Tuy nhiên, thực tế, trong trường hợp thiếu AJT, phi công tân binh lại được chuyển thẳng từ IJT lên thực hành với máy bay chiến đấu hàng đầu như MiG-21. Kết quả là nhiều phi công trẻ thiệt mạng. Ấn Độ đã bổ sung máy bay huấn luyện cơ bản Pilatus của Thụy Sĩ và Hawk AJT từ Anh, khiến số vụ tai nạn giảm xuống nhưng không dừng lại.
Chất lượng bảo dưỡng kém
Theo Simha, người Ấn Độ thường có tư tưởng "mọi việc rồi sẽ ổn thôi". Vì vậy, bảo trì kém chất lượng cũng có thể là một yếu tố dẫn đến các vụ rơi máy bay. Mặc dù quân đội Ấn Độ nổi tiếng là có tiêu chuẩn cao, nhưng phần lớn tiêu chuẩn này được áp dụng với các phi công, chứ không phải đội bảo trì. Truyền thông Ấn Độ nhiều lần đưa tin về đội ngũ nhân viên mặt đất của IAF có dính líu đến các loại tội trạng nghiêm trọng.
Lực lượng giảm
Năm 2015, đội máy bay chiến đấu của Ấn Độ có chiều hướng giảm xuống, với 34 phi đội và 600 máy bay chiến đấu. Ở một đất nước rộng lớn như Ấn Độ, việc giảm số lượng máy bay chiến đấu có nghĩa là một máy bay phải thực hiện thêm nhiều công việc để hoàn thành nhiệm vụ, khiến máy bay có ít thời gian bảo dưỡng hơn. Simha cho rằng đây là lý do Ấn Độ cần nhanh chóng tự sản xuất thêm máy bay đánh chặn Tejas và bổ sung thêm tiêm kích Su-30 được lắp ráp trong nước.
Dù nguyên nhân thế nào, Ấn Độ cũng đã nỗ lực tìm biện pháp để duy trì phi đội Su-30 nhanh chóng và hiệu quả. Tháng 12/2015, Ấn Độ ký một thỏa thuận mới với Nga, cho phép IAF nhận phụ tùng máy bay Su-30 trong vòng 30 ngày thay vì 12 tháng như trước đó. Thỏa thuận 5 năm này cũng cho phép loại bỏ các thủ tục tốn nhiều thời gian trước kia như xin giấy phép, thủ tục hải quan và bảo lãnh ngân hàng. Việc này có thể giúp Ấn Độ giúp các phi đội Su-30 đạt công suất hoạt động tối ưu.
Xem thêm: Nguyên nhân những lần Su-30 gặp nạn trên thế giới
Phi công tiêm kích Su-30 thoát hiểm thế nào
Phương Vũ