Tây Ban Nha đang đau đầu khi phải cân nhắc giữ hay bỏ những trận đấu bò đã tồn tại hàng trăm năm. Xứ sở bò tót đang đứng trước tình trạng bị chia cắt vì truyền thống nổi tiếng nhất thế giới của chính mình.
Hàng năm, hơn một triệu người đổ về Pamplona, Tây Ban Nha để tham gia lễ hội bò đuổi San Fermin.
Người hâm mộ cho rằng những trận đấu bò "la lidia" mãi là một phần của Tây Ban Nha. Khi đấu tranh để bãi bỏ lệnh cấm của chính quyền Catalonia, họ từng tuyên bố trong một phiên tòa cuối năm 2016 rằng đấu bò là di sản quốc gia.
Juan Diego Vicente, chủ tịch Hội liên hiệp Đấu sĩ đấu bò Tây Ban Nha cho hay: "Đó là một lễ hội văn hóa. Nó là điều gì đó tôi sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của chính mình, nó xứng đáng được tôn trọng. Lễ hội bò đang đi qua một giai đoạn quan trọng trong lịch sử".
"Nó là một nghi lễ hiến tế, một dịp luôn được mong đợi và cơ hội làm ăn. Nó là một vấn đề mâu thuẫn", theo Andres De Miguel, nhà báo đến từ Madrid, Tây Ban Nha.
Andres chia sẻ: "Bạn đến trường đấu để tận mắt thấy vẻ đẹp của những đấu sĩ trở thành nghệ sĩ, nhưng đồng thời cũng là nhữngngười dám đặt tính mạng mình lên ranh giới của sự sống và cái chết vì khán giả".
Trái với những ý kiến ủng hộ trên, những người bảo vệ động vật tin rằng họ vẫn kiểm soát tình hình khi nhiều thành phố, vùng miền đang cân nhắc bỏ lễ hội đấu bò, dù Catalonia mới bãi bỏ lệnh cấm.
Silvia Barquero, chủ tịch tổ chức bảo vệ quyền động vật Pacma, cho rằng lễ hội đấu bò tại Tây Ban Nha đang chết dần chết mòn. "Lệnh cấm mới được dỡ bỏ tại Catalonia sẽ sớm có hiệu lực trở lại và sẽ áp dụng cho tất cả những vùng còn lại của Tây Ban Nha", bà nhận định.
Tổng số những trận đấu bò giảm từ 3.651 trận vào năm 2007 xuống còn 1.736 trận vào năm 2015. Những giải đấu chuyên nghiệp giảm 30% từ 2007-2015.
"Cộng đồng đã có nhiều thay đổi cơ bản, người Tây Ban Nha không còn gắn với những trận đấu bò. Nhưng trái lại, họ lo ngại đất nước sẽ biến thành nơi động vật bị lạm dụng nghiêm trọng", bà Barquero bày tỏ.
Lễ hội San Fermin diễn ra từ 6-14/7 hàng năm, vào các buổi sáng ban tổ chức sẽ thả những con bò chạy qua các con phố, dẫn đến trường đấu. Nguồn: David Castuera.
Theo số liệu chính thức năm 2015, chỉ khoảng 9,5% người dân tham dự lễ hội đấu bò, gồm cả người nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy phần lớn người Tây Ban Nha muốn cấm đấu bò. Trong khảo sát gần đây nhất của báo El Pais từ năm 2010, 60% người trả lời cho biết họ không thích đấu bò, nhưng chỉ 42% muốn chính phủ ban lệnh cấm.
Trong ngày đầu tiên của San Fermin 2017, PETA UK ghi lại cảnh một người ăn chay chạy tới chỗ con bò đang bị thương trên sân đấu để vỗ về nó.
Đấu sĩ Juan Diego Vicente phản đối ý kiến cho rằng nghệ thuật anh đang trình diễn là tội ác. Anh nhấn mạnh rằng những con bò đấu được sống hoang dã với bản năng tự nhiên cho tới khi chúng có thể lên trường đấu vào năm 4 tuổi.
Vicente khẳng định: "Nhiều người muốn ban hành lệnh cấm còn nhốt chim trong lồng, để chó sống trong những căn hộ nhỏ xíu và cắt đuôi, cắt móng chân của chúng, tước đi vẻ tự nhiên của các con vật".
Andrew Moore, người Anh, cho biết: "Không một ai trong những người hâm mộ chúng tôi muốn con bò phải chịu đau khổ, chúng tôi muốn một nhát kiếm đâm dứt khoát, đoạt mạng con vật trong giây lát". Tuy nhiên, anh thừa nhận những trận đấu có thể nhân văn hơn nếu ban tổ chức dùng súng điện.
Một lý do nữa được những người ủng hộ lệnh cấm đấu bò đưa ra là sự nguy hiểm cho người tham gia.
Trong hơn một thế kỷ từ 1910 tới 2009, ít nhất 16 người tham gia lễ bò chạy trong San Fermin đã bỏ mạng.
Alexander Fiske-Harrison, tác giả cuốn sách về truền thống đấu bò Tây Ban Nha "Into The Arena: The World of the Spanish Bullfight" ghi nhận 533 đấu sĩ tử nạn trên trường đấu kể từ năm 1700.
Gần đây nhất, đấu sĩ Ivan Fandino mất mạng khi biểu diễn tại Pháp hôm 17/6. Tháng 7/2016, đấu sĩ Victor Barrio qua đời ở tuổi 29 khi biểu diễn tại lễ hội Feria del Ángel, Teruel, miền đông Tây Ban Nha.
Lễ hội đấu bò theo một số hình thức khác nhau đã tồn tại ở Tây Ban Nha ít nhất từ thời La Mã. Phổ biến nhất là hình ảnh một đấu sĩ dùng kiếm và áo choàng khi dối diện với một con bò tót, những trận đấu như vậy dần trở thành điển hình từ thế kỷ 18. Lệnh cấm Catalonia năm 2010 vẫn bật đèn xanh cho lễ hội bò lửa Correbous của người địa phương khi những con bò được thả ra với pháo sáng gắn trên sừng. Pacma còn kêu gọi chính phủ Tây Ban Nha cấm lễ hội Bous a la Mar nơi những con bò bị người tham gia dụ ra bờ cảng, nhảy xuống biển Địa Trung Hải tại Costa Blanca. Trong khi nội bộ Tây Ban Nha chia rẽ về việc cấm hay giữ đấu bò, đất nước hàng xóm Bồ Đào Nha đã có giải pháp nhân đạo cho vấn đề. Trên trường đấu, một đấu sĩ sẽ dùng tài cưỡi ngựa để găm những t hanh kiếm bandarilhas treo trên lưng những con bò vừa đủ vào vai chúng, trước khi một nhóm đàn ông vật nó xuống sân. Bò đấu tại Bồ Đào Nha được sống, trong khi những con bò đấu tại Tây Ban Nha thậm chí phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. |