5 ca Whitmore được phát hiện tại Hà Nội, Hòa Bình, Nghệ An, Phú Thọ trong tháng 7 và tháng 8, gồm một em bé 11 tháng tuổi và 4 người lớn. Số ca ghi nhận có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.
Bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết Whitmore không phải bệnh mới hay bệnh hiếm gặp. Bệnh đã được phát hiện vào những năm đầu của thế kỷ 20. Whitmore rất dễ bị nhầm do có biểu hiện tương tự với triệu chứng bệnh khác.
"Bệnh dễ bị bỏ sót do trước đây chúng ta chưa chú ý để sàng lọc và chẩn đoán, cũng như thiếu các phương tiện chẩn đoán phòng xét nghiệm để phát hiện loại vi khuẩn này. Trước đây không phát hiện ra nhiều chứ không phải bệnh đã biến mất", bác sĩ Thúy cho biết.
Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, cho biết Whitmore gần đây xuất hiện nhiều do nhiều nguyên nhân.
Whitmore bị lãng quên nhiều năm nay, song không có nghĩa là chúng biến mất. Bệnh này âm thầm gây bệnh cho người bằng các dấu hiệu nhiễm khuẩn. Các thầy thuốc chỉ tập trung vào tìm nguyên nhân nhiễm khuẩn do các loại vi khuẩn hay gặp mà quên mất không sàng lọc Whitmore. Việc lấy bệnh phẩm xét nghiệm cũng chỉ tập trung vào các vi khuẩn thường hay gặp, mà không chú ý đến Whitmore nên dễ bỏ sót ca bệnh.
"Vì vậy phải nói rằng, không phải là bệnh mới xuất hiện trở lại mà thực tế là chúng vẫn âm thầm gây bệnh", bác sĩ Tình cho biết.
Trong những năm gần đây, các kỹ thuật xét nghiệm đã chú trọng đến xét nghiệm tìm Whitmore, do đó trong số các bệnh phẩm của bệnh nhân nhiễm khuẩn, ngày càng tìm được nhiều vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Từ năm 2015 đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình được Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, hỗ trợ các bộ xét nghiệm tìm Whitmore, nên ngày càng phát hiện được sớm các ca bệnh.
Bác sĩ Tình nhận định, số ca bệnh Whitmore được phát hiện như hiện nay mới chỉ là phần nổi của tảng băng. "Sẽ không ngạc nhiên nếu trong thời gian tới, số ca bệnh Whitmore trong cả nước sẽ được phát hiện nhiều hơn, sớm hơn, nên cần nêu cao cảnh giác và các kỹ thuật xét nghiệm ngày càng hiện đại. Lúc đó, tôi tin là tỷ lệ biến chứng và tử vong do bệnh này sẽ giảm".
Whitmore không phải bệnh theo mùa và không bùng phát thành dịch. Các ca mắc Whitmore ghi nhận rải rác trong năm. Một số người có cơ địa đặc biệt ví dụ trẻ em, người già, những người có bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, dùng hóa chất điều trị ung thư gây suy giảm miễn dịch hay dùng corticoid kéo dài, dễ mắc Whitmore và bệnh nặng hơn.
Trong 3-4 năm trở lại đây, số ca bệnh có xu hướng tăng từ tháng 7 tới cuối năm, trùng với mùa mưa. "Chưa có nghiên cứu vì sao các ca bệnh gia tăng trong thời điểm này, có thể do mưa, ngập, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi khiến người lao động, trẻ em dễ tiếp xúc nước ô nhiễm chứa vi khuẩn", bác sĩ Thúy cho biết.
Vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong đất, bùn, nước bị ô nhiễm và lây vào cơ thể qua tiếp xúc với vết thương hở. Chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người và lây từ động vật sang người.
Whitmore có tỷ lệ lây nhiễm không triệu chứng khá cao, vi khuẩn vào cơ thể một thời gian sẽ bị hệ miễn dịch đào thải. Biểu hiện bệnh đa dạng từ sốt tới khu trú viêm trên da, viêm tuyến nước bọt mang tai hoặc chỉ nhiễm trùng đơn giản trên da hoặc có thể nặng như gây sốc nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, áp xe phổi, có thể gây tử vong.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore, song đã có kháng sinh điều trị đặc hiệu, có thể chữa dứt điểm bệnh hoàn toàn. Vì vậy, bác sĩ Thúy khuyến cáo người dân nên đi khám tại cơ sở y tế chuyên khi cơ thể có dấu hiệu bất thường như sốt, tổn thương, viêm da lâu ngày không khỏi... Bệnh không có triệu chứng đặc trưng, thậm chí dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, bác sĩ phải khám cẩn thận, thăm hỏi và có những xét nghiệm vi sinh đặc thù.
Để phòng bệnh, người dân cần chú ý vệ sinh và mặc đồ bảo hộ an toàn lao động như đi ủng, đeo găng tay, che chắn vết thương trước khi làm việc. Trong trường hợp tiếp xúc với vết thương hở, người dân cần sát khuẩn, sơ cứu vị trí vết thương đúng quy trình để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Chi Lê - Thúy Quỳnh