Ngày 27/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gửi một lá thư cho Tổng thống Nga Putin, bày tỏ sự hối tiếc về vụ bắn hạ máy bay Su-24 Nga tháng 11 năm ngoái. Ông Erdogan sau đó cho biết ông tin Ankara sẽ bình thường hóa quan hệ với Moscow nhanh chóng.
Tuy nhiên, Điện Kremlin ngày hôm sau đã "dội gáo nước lạnh" vào hy vọng của người Thổ Nhĩ Kỳ, ám chỉ rằng việc chấp nhận lời "xin lỗi" và việc dỡ bỏ trừng phạt kinh tế sẽ không dễ dàng như vậy.
"Mọi người không nên nghĩ rằng có thể bình thường hóa mọi thứ trong vòng một vài ngày, nhưng các công việc theo hướng này sẽ tiếp tục", Dmitry Peskov, thư ký báo chí của ông Putin, nói.
"Tổng thống Putin đã bày tỏ nhiều hơn một lần rằng ông sẵn sàng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ", Peskov nói. "Bây giờ một bước rất quan trọng đã được thực hiện".
Theo CSM, việc ông Putin miễn cưỡng chấp nhận ngay lập tức lời xin lỗi của ông Erdogan cho thấy ông muốn tận dụng nhiều nhất có thể lợi ích chính trị và kinh tế. Các biện pháp trừng phạt của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với biện pháp trừng phạt quốc tế mà Nga bị áp đặt, lại làm lợi cho các ngành kinh doanh trong nước của Nga.
Quan trọng hơn, với ông Putin, ngôn ngữ mang tính cá nhân sâu sắc trong bức thư của ông Erdogan gửi một thông điệp tới phần còn lại của Thổ Nhĩ Kỳ, các nước láng giềng của Nga và NATO về vị thế ngày càng tăng của Moscow trên trường quốc tế, tại thời điểm Nga bị chỉ trích vì khủng hoảng Ukraine và việc hỗ trợ chính quyền Bashar al-Assad ở Syria.
Ông Putin khiến ông Erdogan phải toát mồ hôi, Fiona Hill, giám đốc Trung tâm Mỹ và châu Âu của Viện Brooking, nhận xét.
Khi được hỏi bà sẽ cư xử với ông Erdogan như thế nào nếu bà là Putin, tiến sĩ Hill nói: "Tôi có lẽ sẽ làm cho ông ấy phải toát thêm nhiều mồ hôi hơn nữa".
"Khi tôi đặt mình vào vị trí Nga, tôi thấy họ không cần đạt được điều gì", bà nói. "Ông Erdogan mới là bên hưởng lợi nhiều khi vá víu mối quan hệ".
Theo bà, Nga sẽ lợi hơn nếu đợi đến tháng tới mới có hành động hòa giải, sau khi NATO họp tại Warsaw, khi tác động của việc Anh chọn rời Liên minh châu Âu (EU) trở nên rõ ràng hơn.
Uy thế
Trong lá thư ông Erdogan gửi đến ông Putin, ông Erdogan viết: "Tôi muốn một lần nữa bày tỏ sự thương tiếc và lời chia buồn sâu sắc tới gia đình của người Nga đã chết. Mong họ tha lỗi".
Trong khi Nga coi đây là lời xin lỗi của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của ông Erdogan, nói rằng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự hối tiếc về vụ nổ súng, nhưng nói thêm rằng bức thư không phải là một lời xin lỗi, theo Reuters.
Những bất đồng về ngữ nghĩa của lá thư là diễn biến mới nhất trong rất nhiều căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ bắn rơi máy bay Su-24 là đỉnh điểm của căng thẳng này. Ngày 24/11/2015, chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng máy bay Nga xâm nhập không phận Thổ Nhĩ Kỳ, bỏ qua những cảnh báo lặp đi lặp lại. Trong khi đó, Nga bác bỏ những tuyên bố này.
Khi hai phi công Su-24 nhảy dù ra khỏi máy bay, một người bị giết bởi phiến quân Thổ Nhĩ Kỳ. Một lính thủy đánh bộ Nga sau đó thiệt mạng trong hoạt động cứu hộ phi công còn lại.
Vụ đối đầu, mà ông Putin gọi là một "cú đâm sau lưng nguy hiểm", là biểu hiện của những lợi ích va chạm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Điện Kremlin đã hỗ trợ ông Assad trong nỗ lực duy trì quyền lực, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn phiến quân Syria để chống lại chính quyền Assad.
Sau vụ bắn rơi máy bay, chính phủ Nga áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào thương mại, xây dựng, và du lịch mà Thổ Nhĩ Kỳ đã được hưởng lợi vô cùng lớn. Về mặt quân sự, Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 đến Syria. Truyền thông phương Tây đưa tin Nga còn tấn công các vị trí của lữ đoàn người Turk mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Tuy nhiên, Điện Kremlin không dừng chuyển khí tự nhiên tới Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những khách hàng chính của Nga. Thực tế, các biện pháp trừng phạt Nga áp đặt không chỉ làm tổn thương Thổ Nhĩ Kỳ mà còn giúp Nga hưởng lợi. Tiến sĩ Hill nhấn mạnh Nga là điểm đến chính cho thực phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi họ cấm cửa các sản phẩm này, Nga có thể thúc đẩy ngành nông nghiệp nội địa. Điều này cũng đúng đối với du lịch. Khi Moscow bắt buộc phải có thị thực để đi lại giữa hai nước, các điểm du lịch trong nước của Nga như Sochi và bán đảo mới sáp nhập Crimea được hưởng lợi.
Lời "xin lỗi" của ông Erdogan, việc ông Putin trì hoãn chấp nhận nó, cũng giúp Điện Kremlin thể hiện sức mạnh của mình trên trường quốc tế, tiến sĩ Michael Reynolds, giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Cận Đông của Đại học Princeton, nhận xét.
"Ông Putin nhận ra rằng ông ấy có uy thế lớn", ông Reynolds nói. Tiến sĩ cho rằng Ukraine, các nước Caucasus, và ngay cả Mỹ cũng phải chú ý việc này. "Đây chắc chắn là một chiến thắng cho ông Putin trong việc thúc đẩy vị thế của mình trong khu vực. Mọi người sẽ phải nhìn vào điều đó - ông Erdogan vốn không phải là kiểu người chịu xin lỗi".
Xem thêm: Xuống nước xin lỗi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng sức ép
Phương Vũ