Hàng loạt vụ tấn công hôm qua xảy ra ở thủ đô Paris, Pháp, khiến ít nhất 150 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Theo lời kể của nhân chứng, một trong những kẻ tấn công tại nhà hát Bataclan đã xả súng vào đám đông và hô "Allahu akbar" (Đấng tối cao vĩ đại). Thông tin này làm dấy lên mối nghi ngờ rằng đây chính là cuộc tấn công khủng bố do các tổ chức Hồi giáo cực đoan thực hiện.
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm qua thông báo đóng cửa biên giới. Động thái này được thực hiện sau nhiều tháng Pháp mở cửa để tiếp nhận dòng người di cư từ Iraq và Syria, hai quốc gia đang chịu sự hoành hành của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Liên minh châu Âu (EU) ước tính có khoảng 6.000 người từ châu Âu đã gia nhập IS, nhiều thành phần trong số này sở hữu hộ chiếu cho phép họ tự do qua lại giữa Pháp và các trung tâm đầu não của nhóm khủng bố ở Mosul, Iraq và Raqqa, Syria.
Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho biết hiện có khoảng 185 thành viên IS mang quốc tịch Pháp đã trở về nước sau khi đến Iraq và Syria để chiến đấu cùng các tay súng cực đoan.
Các cuộc tấn công xảy ra gần một năm sau vụ xả súng tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, khiến 12 người thiệt mạng. Vụ việc được cho là do các thành viên của nhóm al-Qaeda trên bán đảo Arab thực hiện. Kể từ sau thảm kịch này, chính quyền Pháp đã áp dụng hàng loạt biện pháp ngăn ngừa, bao gồm tăng cường an ninh ở sân bay và các trạm trung chuyển giao thông lớn, thành lập đội ngũ điều tra, theo dõi các đối tượng tình nghi là IS ở trong nước, hay kiểm soát khắt khe hơn quy trình nhập cư, di trú.
Tuy nhiên, Pháp vẫn không thể ngăn dòng người tị nạn vào nước này đặc biệt trong mùa hè vừa qua khi số người di cư từ Iraq và Syria sang tăng đột biến. Chuyên gia chống khủng bố nhận định đây chính là cơ hội tốt để thành viên IS hay những kẻ cảm tình với tổ chức này xâm nhập vào các nước châu Âu để tiến hành các cuộc khủng bố. Và loạt vụ tấn công ở Paris là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó.
Cũng như các nước châu Âu khác, Pháp chưa tiếp nhận quá nhiều người tị nạn từ Syria. Chỉ có khoảng 20.000 người Syria đã nhập cư vào quốc gia này trong vài năm qua, theo số liệu từ Liên Hợp Quốc. Nhưng nhiều cá nhân vẫn có thể di chuyển thoải mái trong một khu vực rộng lớn ở châu Âu mà không bị kiểm soát nếu như sở hữu một số loại hộ chiếu đặc biệt. Thực tế này khiến công tác quản lý di trú gặp không ít trở ngại, làm gia tăng nguy cơ các tay súng cực đoan đóng giả làm người di cư để thực hiện các cuộc tấn công đẫm máu trên toàn châu Âu.
Bên cạnh đó, theo John R. Bowen, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Washington, một lý do nữa khiến Pháp thường xuyên trở thành mục tiêu của các phần tử cực đoan Hồi giáo là bởi nước này có mối liên kết chặt chẽ và lâu bền với cộng đồng Hồi giáo hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào.
Từ năm 1830, khi Pháp xâm chiếm Algeria, họ đã tiếp nhận không ít người Hồi giáo châu Phi ở ngay trên sân sau của mình. Sau Thế chiến I, Pháp cũng nắm quyền kiểm soát cả Syria và Lebanon. Rất nhiều người Pháp khi đó tới Bắc Phi sinh sống. Chiến tranh Thế giới II kết thúc, những người Bắc Phi lại đến Pháp để làm việc trong các nhà máy, hầu hết được xây dựng tại những khu vực nghèo nàn ở Paris, Lyon hay vùng công nghiệp phía bắc. Các nhà máy về sau bị đóng cửa nhưng những người này vẫn ở lại Pháp, tạo nên một cộng đồng Hồi giáo lớn ở đây, chiếm từ 5 - 10% dân số cả nước.
Giới quan sát cho rằng việc Pháp tham gia tích cực vào cuộc chiến chống khủng bố cũng là một phần nguyên nhân khiến nước này nằm trong tầm ngắm của các phần tử cực đoan. Pháp từng góp mặt trong Lực lượng Hỗ trợ an ninh Quốc tế (ISAF) do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lãnh đạo, thực hiện sứ mệnh bảo vệ an ninh tại Afghanistan chống lại Taliban và al-Qaeda. Paris cũng tiến hành nhiều hoạt động tình báo ở Somali hay triển khai không kích IS ở Iraq.
Hiện chưa rõ tổ chức khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công, và cảnh sát Pháp cũng mới chỉ kết thúc chiến dịch giải cứu con tin ở nhà hát Bataclan, vậy nên việc đưa ra kết luận về thủ phạm và động cơ khủng bố là vẫn còn quá sớm.
Vũ Hoàng