Hồ sơ Panama từ khi được công bố tới nay đã tạo nên một cơn địa chấn trên toàn cầu. Mossack Fonseca, công ty đang đứng giữa tâm điểm của cơn chấn động rò rỉ thông tin lớn nhất lịch sử, cho biết trong một văn bản gửi CNN rằng họ có khả năng là nạn nhân của một hành vi xâm phạm dữ liệu bất hợp pháp và những tài liệu bị tiết lộ không cho thấy họ có bất kỳ hoạt động trái phép nào. Tổng thống Panama Juan Carlos Varela trong khi đó khẳng định ông sẽ không khoan dung với tội phạm tài chính.
Vì sao giới nhà giàu lại chọn Panama để làm nơi cất giữ tài sản hay thậm chí rửa tiền? Đó là câu hỏi nhiều người đặt ra sau khi Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) phanh phui những bí mật trong Hồ sơ Panama.
Mối quan hệ với băng đảng
Panama không phải là quốc gia duy nhất mà những người giàu dùng làm nơi cất trữ tiền bạc, của cải nhằm né thuế hoặc rửa tiền, song nó cũng đã nổi tiếng là một "thiên đường trốn thuế" từ cách đây hơn một trăm năm, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Na Uy.
Từ cuối những năm 1920, các giám đốc điều hành ở phố Wall đã giúp Panama xây dựng những luật đặc biệt, cho phép bất kỳ ai cũng có thể đến đây để khởi tạo các doanh nghiệp ẩn danh và không phải chịu thuế. Khoảng 60 năm sau, những đồng tiền bẩn từ hoạt động buôn bán ma túy bắt đầu đổ về quốc gia này.
Theo CNN, chính Manuel Noriega, lãnh đạo Panama trong giai đoạn từ năm 1983 đến 1989, đã giúp băng đảng Medellin khét tiếng của Colombia che giấu số tiền chúng kiếm được từ hoạt động buôn lậu ma túy tại Panama. Băng Medellin có những năm thu về tới 4 tỷ USD nhờ các hoạt động phi pháp.
Dù Noriega sau này bị Mỹ lật đổ nhưng mối quan hệ của ông với các băng đảng đã góp phần khiến Panama nổi lên trở thành một thiên đường rửa tiền cho tội phạm.
Cơ chế thuận lợi
Những luật lệ thiết lập từ những năm 1920 được cải tiến để biến Panama thành một nơi mà các hoạt động rửa tiền diễn ra vô cùng dễ dàng.
Người ta có thể lập công ty nhanh chóng, không cần nộp tờ khai thuế hay kiểm toán. Trong một số trường hợp, danh tính của các chủ sở hữu công ty ở Panama còn được đảm bảo bí mật tuyệt đối, theo InSight Crime, tổ chức chuyên nghiên cứu về tội phạm có tổ chức ở châu Mỹ Latin và Caribbean.
Panama có nhiều ưu đãi thuế khác nhau, ví dụ như một số công ty đặt tại quốc gia này sẽ không phải trả thuế nếu làm ăn với các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng những yêu cầu về khai báo hoạt động ở đây cũng rất lỏng lẻo nếu so với các quốc gia khác.
Panama cho đến tháng hai vừa qua vẫn có tên trong một danh sách quốc tế liệt kê các nước có luật chống rửa tiền yếu. Tuy nhiên, Lực lượng Hành động Tài chính, cơ quan liên chính phủ lập ra danh sách trên, đã tuyên dương Panama vì những tiến bộ trong việc củng cố, thắt chặt luật chống rửa tiền.
Panama được xóa tên khỏi danh sách nhờ đưa ra cam kết sẽ hành động để chống lại mọi hành vi gian lận tài chính. Dù vậy, nước này vẫn nằm trong danh sách đen các thiên đường trốn thuế và những thể chế bất hợp tác của Ủy ban châu Âu.
Trung tâm thương mại quốc tế
Kinh tế Panama hoạt động chủ yếu dựa trên USD, đồng tiền mà hầu hết chính phủ các nước sử dụng trong giao dịch quốc tế và được coi là an toàn nhất thế giới. Hoạt động của các dịch vụ tài chính cũng là những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Kênh đào Panama đã biến nước này trở thành một trung tâm thương mại quốc tế khổng lồ. Nguồn thu từ con kênh chiếm tới 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Panama.
Về mặt địa lý, Panama nằm giáp với các quốc gia có mức độ sản xuất và buôn bán ma túy xếp vào hàng cao nhất thế giới.
Theo một nghiên cứu năm 2014 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính những nhân tố kể trên đặt Panama trước nguy cơ bị lợi dụng làm nơi rửa tiền và trốn thuế.
"Những tiết lộ từ Hồ sơ Panama đã phơi bày rõ văn hóa cũng như các hoạt động ngầm ở Panama", Angel Gurria, tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED), hôm 4/4 nhấn mạnh.
Xem thêm: Kẻ gác giữ những khoản tiền mờ ám trong Hồ sơ Panama
Vũ Hoàng