Hồi tuần trước, không quân Hoàng gia Anh đã phải điều chiến đấu cơ Typhoon cất cánh để ngăn chặn những chiếc oanh tạc cơ chiến lược Tupolev Tu-160 (hay còn gọi là Blackjack) của Nga trên bầu trời phía bắc nước này. Đây là lần thứ 7 Anh điều chiến đấu cơ ngăn chặn máy bay ném bom của Nga bay gần không phận nước này, một hành động bị Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon gọi là "khó chịu" và "quấy rầy", Telegraph ngày 13/9 cho hay.
Hồi tháng hai, sau khi hai chiếc oanh tạc cơ chiến lược Tupolev Tu-95 (Bear) của Nga bay tới gần bờ biển Cornish của Anh và bị chiến đấu cơ Typhoon của Anh buộc chuyển hướng, Thủ tướng Anh David Cameron đã tố cáo Nga "cố chứng tỏ một điều gì đó" bằng hành động này.
Các nguồn tin thuộc không quân Anh cho hay những chiếc máy bay ném bom chiến lược của Nga chưa bao giờ tiến vào không phận của Anh, tuy nhiên chúng lại gây bất tiện và nguy hiểm cho các máy bay dân sự, vì phi công Nga luôn từ chối tiết lộ các thông tin cần thiết về chuyến bay cho cơ quan quản lý hàng không Anh.
Các chuyên gia phân tích cho rằng việc Anh thường xuyên và gấp gáp điều chiến đấu cơ lên ngăn chặn máy bay ném bom của Nga từ xa chứng tỏ London rất lo ngại về cái mà nhiều người cho là "hành động tiềm ẩn khiêu khích" của Moscow, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang xuống thấp vì cuộc khủng hoảng Ukraine.
Số chuyến bay tuần tra bằng máy bay ném bom chiến lược của Nga ở khu vực Baltic và Đông Âu đã tăng lên đáng kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu, khiến Anh và các đồng minh NATO phải điều chiến đấu cơ thường xuyên tuần tra trên vùng trời Baltic. Hồi đầu năm, Bộ Ngoại giao Anh đã triệu tập đại sứ Nga để yêu cầu giải thích vì sao hai máy bay ném bom của Nga lại bay xuống eo biển Manche giữa Anh và Pháp.
Những chuyến bay áp sát nước Anh của các máy bay ném bom hạt nhân tầm xa Nga như thế này có thể coi là hành động do thám thường xuyên trên bầu trời nước Anh, nhưng đó không nhất thiết là hành động khiêu khích, một cựu tướng lĩnh Nga khẳng định.
Trung tướng Evgenny Buzhinsky, người hiện đang lãnh đạo một tổ chức tư vấn an ninh quốc phòng ở Moscow, cho rằng các chuyến bay do thám là hoạt động bình thường của các nước, và NATO từ lâu cũng đã thực hiện những chuyến bay tương tự dọc biên giới nước Nga.
"Do thám các hệ thống phòng không của nước khác là hoạt động bình thường của bất cứ lực lượng không quân nào, dù là Nga, Mỹ hay Anh. Khi một chiến đấu cơ hay oanh tạc cơ bay tuần tra, dĩ nhiên nó phải giám sát các hệ thống phòng không và radar của nước khác. Tôi không thấy hành động này có gì là khiêu khích cả", tướng Buzhinsky nhấn mạnh.
Các phi công chiến đấu cơ Typhoon của Anh cũng khẳng định trong những chuyến bay ngăn chặn này, họ không phát hiện bất cứ hành động thù địch nào, và họ thậm chí còn vẫy tay chào phi công Nga.
Những chuyến bay tuần tra bằng máy bay ném bom chiến lược như thế này vẫn thường diễn ra vào thời Chiến tranh Lạnh, nhưng những chiếc oanh tạc cơ khổng lồ này bắt đầu vắng bóng trên bầu trời gần các nước phương Tây kể từ khi Liên Xô tan rã, và quân đội Nga không có nhiều tiền để duy trì hoạt động tuần tra đầy tốn kém đó. Oanh tạc cơ chiến lược của Nga mới chỉ nối lại hoạt động tuần tra tầm xa từ giữa thập kỷ trước, và đang ngày càng bị Mỹ và phương Tây soi xét kỹ càng hơn.
"Từ cuối những năm 1990, không quân chúng tôi không hề có hoạt động tuần tra hay huấn luyện nào bằng máy bay ném bom chiến lược tầm xa, vì những khó khăn về kinh tế và chính trị, khiến họ không có tiền, không có nhiên liệu để bay, trong khi phi công lũ lượt rời khỏi không quân", ông Buzhinsky kể lại.
"Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ vẫn không hề hạn chế các chuyến bay hay các hoạt động không quân mang tính chiến lược ở sát biên giới của Nga. Đối với họ, đó là hoạt động huấn luyện quân sự bình thường", viên tướng này chia sẻ.
Tướng Buzhinsky cho rằng không hề có gì bất thường trong việc số chuyến bay tuần tra của Nga tăng lên. "Đó chỉ là vấn đề về cách hiểu. Hoạt động tuần tra tầm xa của Nga đã bắt đầu từ cách đây 10 năm, trên cùng một hành trình, cùng một khoảng cách với nước Anh. Nhưng vì tình hình thay đổi, nên đột nhiên những chuyến bay đó bị coi là mối đe dọa. Còn trước đó, anh bay, tôi bay, chẳng ai quan tâm cả", ông giải thích.
"Chỉ là sau khi Liên Xô tân rã, phương Tây đã quen với việc Nga không còn làm gì nữa. Họ cứ mặc định trong đầu rằng nước Nga chỉ còn một nền kinh tế sụp đổ và một quân đội không còn sức mạnh", ông nói tiếp.
Tuy nhiên, Tham mưu trưởng không quân Anh Andrew Pulford thì cho rằng những chuyến bay như thế này là hành động "phô trương sức mạnh" của Nga trước NATO, dù những chiếc oanh tạc cơ này không hề xa lạ gì với phươngTây.
"Nó gợi nhớ đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô thông báo với chúng tôi rằng họ ở đó, đang điều tra, dò xét những điểm yếu trong hệ thống phòng không của chúng tôi. Tôi chỉ muốn họ không tìm ra bất cứ điểm yếu nào".
"Về ý đồ của ông Putin trong các hành động này, tôi cho rằng ông đang muốn khẳng định với NATO rằng Nga đang hiện diện ở đó", quan chức không quân Anh này nhấn mạnh.
Trí Dũng