Tôi đã bao phen giúp bà chị họ của tôi ở dưới quê thoát khỏi các vụ lừa đảo trên mạng. Lần thứ nhất, chị họ của tôi là một người hay ghen tuông. Có lẽ do tìm kiếm các từ khóa có liên quan đến kiểm soát chồng nên điện thoại của chị có đề xuất nhiều quảng cáo bán phần mềm theo dõi điện thoại người khác.
Chị hỏi tôi, phần mềm này được bán giá mấy triệu đồng, sau khi mua về phải lén cài vào điện thoại chồng, có nên mua không?
Tôi phải tốn thời gian phân tích khía cạnh pháp luật - xâm phạm quyền riêng tư, vừa có khả năng lừa đảo - vì một phần mềm vi diệu đến mức nghe lén, đọc lén được đối phương được rao bán tràn lan với giá vài triệu đồng là điều không thể, chưa kể cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc có nguy cơ mất an toàn dữ liệu...
Lần thứ hai, bỗng nhiên có người thêm chị vào nhóm làm nhiệm vụ nhận quà, chị cũng hỏi tôi, khi được trả lời ngay rằng là lừa đảo 100%, chị vội vàng thoát nhóm.
Mỗi lần đọc những tin tức và nội dung có liên quan đến lừa đảo, như 12 triệu đồng 'bay hơi' vì sập bẫy lừa bình chọn online, rồi số tiền lên đến hàng tỷ đồng như mất 2,5 tỷ do xem video trên mạng, một người đàn ông 39 tuổi lấy ảnh cô gái xinh đẹp tạo tài khoản mạng xã hội, làm quen với người đàn ông giàu có rồi lừa hơn 5,7 tỷ đồng, tạo vỏ bọc chiếm được tình cảm của nam đại gia đang đổ vỡ hôn nhân, lừa 12 tỷ đồng dù chưa gặp mặt...
Và nhiều chiêu lừa khiến nạn nhân mất số tiền lớn, tôi tự hỏi tại sao một số người có trong tay tiền tỷ, có thể dễ dàng bị lừa như vậy?
Bình thường đi mua hàng thanh toán qua chuyển khoản, dù giá trị vài chục nghìn hay vài trăm nghìn đồng nhưng tôi luôn cẩn thận xác nhận lại số tài khoản, họ tên của người nhận...
Trong khi họ chuyển tiền với giá trị vài trăm, vài tỷ đồng nhưng sao nhẹ nhàng quá? Ít ra cũng nên bỏ thời gian tìm hiểu thông tin hay hỏi người khác, như chị họ của tôi chứ?
Nguyễn Tiến
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.