Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba từng là ứng cử viên duy nhất phản đối việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, với bộ máy nội các mới, quốc gia mặt trời mọc duy trì kế hoạch khởi động lại an toàn các nhà máy điện hạt nhân và sử dụng nhiều năng lượng tái tạo nhất có thể.
Chi phí sinh hoạt, bao gồm hóa đơn tiền điện là một trong nhiều vấn đề ông Ishiba phải giải quyết trong bối cảnh hai phần ba lượng điện ở Nhật sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Điện hạt nhân, từng chiếm tới 30% nguồn cung năng lượng cho Nhật Bản, đã sụt giảm sau thảm họa hạt nhân tại Nhà máy Fukushima hồi 2011. Theo Reuters, Nhật Bản hiện vận hành mười một lò phản ứng điện hạt nhân, tức một phần năm số hiện có, so với trước sự cố. Việc khởi động lại lò phản ứng đã góp phần làm giảm 8% lượng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) vào năm 2023 xuống mức thấp nhất trong 14 năm.
Dù lượng nhập khẩu LNG và than đá giảm, chi phí nhập khẩu nhiên liệu này lên tới 12.400 tỷ yen (tương đương 86 tỷ USD), chiếm 11% tổng hóa đơn nhập khẩu, làm tăng chi phí sinh hoạt của người dân Nhật Bản trong bối cảnh đồng yen mất giá.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng. Nhật vừa trải qua mùa hè nóng nhất trong hơn 100 năm, đẩy nhu cầu dùng điều hòa lên đáng kể. Hồi tháng 6, Japan Times cho biết chính quyền Nhật đã trợ cấp tiền trên mỗi kWh để giảm bớt hóa đơn điện cho người dân.
Nhu cầu về điện dự kiến tăng lên khi nhiều trung tâm dữ liệu và nhà máy bán dẫn thành lập. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoji Muto khẳng định đảm bảo năng lượng là yếu tố quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế của quốc gia này. Do vậy, cần khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân để cân bằng nguồn cung, quản lý giá điện và khử carbon.
Đầu năm 2023, chính phủ Nhật công bố chính sách cơ bản để hiện thực hóa chuyển đổi xanh, xác định ủng hộ năng lượng hạt nhân là một trong số nhiều chính sách cần thiết để cung cấp nguồn năng lượng ổn định, với mục tiêu đến 2030, điện hạt nhân chiếm 20-22% tỷ trọng nguồn cung.
Các cuộc vận động ủng hộ điện hạt nhân bắt đầu từ năm 2013, khi Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản khẳng định việc dừng các nhà máy điện hạt nhân khiến 3,6 nghìn tỷ yen (34,9 tỷ USD) chảy ra nước ngoài mỗi năm, do lượng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu tăng.
Người dân Nhật cũng ngày càng đồng thuận với năng lượng hạt nhân kể từ sau xung đột Nga – Ukraine, trong bối cảnh Nga là thị trường nhập khẩu LNG và than của nước này.
Trong nỗ lực hồi sinh điện hạt nhật, Nhà máy điện Tokyo (TEPCO) đang muốn khởi động lại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới Kashiwazaki-Kariwa, nhưng chưa được sự chấp thuận từ chính quyền tỉnh, vốn đang yêu cầu nhiều hơn về tính an toàn.
Bảo Bảo (Theo Reuters, World Nuclear)