Triều đại Minh Trị (1868 - 1912) là giai đoạn hiện đại hoá nhanh chóng của Nhật Bản với một loạt cải cách về kinh tế. Sắc lệnh của Nhật Hoàng ký năm 1872 nói rõ: “Lịch người dân Nhật Bản sử dụng suốt 1.200 năm qua là không có cơ sở thực tế, cản trở sự phát triển tri thức nhân loại, cần phải xoá bỏ và sẽ áp dụng lịch phương Tây từ nay cho đến mai sau”.
Tuy nhiên, trên thực tế, sự thay đổi khi ấy mang tính thời thế. Thứ nhất, Nhật và Mỹ đã ký “Hiệp ước Hữu nghị và Thương mại” vào năm 1858. Lý do thứ hai đến từ sự phát triển vượt trội của nền văn minh phương Tây so với châu Á. Yêu cầu đặt ra cho chính phủ Minh Trị lúc bấy giờ là sửa đổi làm sao để các điều khoản khớp với nhau khi thực hiện, đồng thời tăng trưởng kinh tế để thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các nền văn hoá khác mà mạnh nhất bấy giờ là Trung Quốc.
Từ các lý do trên, việc đổi lịch là tất yếu, dù rằng điều này khiến mọi thứ trở nên rắc rối do thời điểm công bố đổi lịch là ngày 9/12, tức chỉ còn 3 tuần nữa là năm mới, trong khi theo lịch cũ khi ấy mới là ngày 9/11 năm Minh Trị thứ 5.
Đổi lịch âm sang dùng lịch dương là bước quan trọng trong chính sách Tây hoá của chính phủ Minh Trị. Tuy nhiên, việc một số sự kiện áp dụng lịch mới thay vì lịch cũ cũng gây ra không ít phiền toái.
Ví dụ như “Lễ hội 7 loại thảo mộc” tổ chức vào ngày 7/1 hàng năm, nhưng thời điểm đó vẫn là mùa đông lạnh giá nên không có thảo mộc để thu hoạch. Hay “Lễ hội hoa anh đào” mùng 3/3, nhưng hoa chỉ bắt đầu nở vào tháng 4. Tương tự như “Ngày lễ Thiếu nhi” mùng 5/5 nhằm cầu nguyện cho sức khoẻ của các bé trai trong mùa mưa, nhưng thực tế phải một tháng sau đó mùa mưa mới bắt đầu...
Có một sự thực không thể phủ nhận là ngày nay người Nhật hầu như đã quên đi lịch âm. Thế nhưng với những người hoài cổ, họ vẫn nhớ về ngày Tết cổ truyền. Theo lịch dương, ngày 1/1 hàng năm sẽ bắt đầu mùa xuân, nhưng không ít người từng đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại đón mùa xuân vào thời điểm lạnh giá nhất của mùa đông?”.