Thời gian qua Việt Nam có tốc độ gia tăng nhanh chóng số công bố quốc tế. Số liệu của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hồi cuối tháng 8 công bố kết quả hoạt động khoa học, công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học cho thấy, từ năm 2020 đến nay, số công bố mỗi năm đều đạt trên 18.000.
Trong đó, khoảng 70% công bố quốc tế trong danh mục WoS (Web of Science, còn gọi là ISI - cơ sở dữ liệu trích dẫn các tạp chí khoa học thế giới), 90% trong danh mục Scopus và hơn 50% công bố trên các tạp chí uy tín quốc gia đến từ các trường đại học.
Vậy việc công bố quốc tế này có ý nghĩa gì? TS Phạm Hiệp, Trưởng nhóm nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường ĐH Thành Đô, lý giải các nhà khoa học kiến tạo ra tri thức mới thông qua việc nghiên cứu và thể hiện kết quả nghiên cứu đó bằng công bố khoa học thông qua các hình thức như đăng bài tạp chí, viết sách hoặc công bố bài hội thảo. "Đây là chức năng của nhà khoa học, là sứ mệnh và nhiệm vụ vốn có của một người làm nghiên cứu", TS Hiệp nói.
Nói về việc nhiều nhà khoa học hướng công bố quốc tế, TS Hiệp khẳng định đây là điều dễ hiểu, phản ánh tiến trình hội nhập của nền khoa học trong nước. Trước đây ở thế kỷ 19-20, nhà nghiên cứu ở quốc gia nào thường sẽ công bố bài báo trên tạp chí nước đó. Điều này dẫn tới việc hai người ở hai quốc gia độc lập cùng theo đuổi mục tiêu và công bố ra nội dung nghiên cứu gần giống nhau do ít có sự liên thông giữa các quốc gia hoặc giữa các khu vực, lục địa. Qua thời gian, cách thức công bố xuất bản thể hiện ở nhiều loại hình khác nhau và được điều chỉnh, các nhà khoa học có tiếng nói chung sử dụng tiếng anh là ngôn ngữ chính. Các tạp chí khoa học trở thành phương tiện giao tiếp học thuật chính trong cộng đồng học thuật, trong đó xuất hiện các công bố quốc tế.
TS Hiệp ví von, giống như xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài, việc thúc đẩy nghiên cứu ra quốc tế giúp khẳng định vị thế và thể hiện năng suất, chất lượng của nhà khoa học.
Các bảng xếp hạng trường đại học thế giới vẫn sử dụng công bố quốc tế là một tiêu chí đánh giá, do đó chúng vẫn được coi như thước đo xếp hạng tổ chức khoa học, trường đại học. Song ông lưu ý, công bố quốc tế không hoàn toàn là thước đo phản ánh thương hiệu của một trường đại học. Lý do, mỗi quốc gia vẫn có những "sân chơi khoa học" riêng của mình và tồn tại giá trị thương hiệu mang tính chất bản địa. Dẫn ví dụ một số trường đại học tại Việt Nam không mạnh công bố quốc tế nhưng vẫn có giá trị thương hiệu mạnh như trong khối ngành tài chính, Học viện tài chính không dẫn đầu công bố quốc tế song vẫn là cái nôi đào tạo chuyên gia tài chính hàng đầu cho đất nước.
Còn PGS.TS Nguyễn Đình Quân, trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP HCM, cho biết các nghiên cứu khoa học có kinh phí hỗ trợ đều phải có sản phẩm đầu ra để nghiệm thu, thỏa mãn các điều kiện yêu cầu ràng buộc của nguồn cấp kinh phí. Ở nhiều nước có nền khoa học phát triển như Mỹ, Nhật, EU, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học không chỉ đến từ các quỹ và các chương trình nhà nước, mà còn từ các doanh nghiệp. Nguồn kinh phí từ khối doanh nghiệp ở các quốc gia này chiếm tỷ trọng cao hơn, gắn liền nghiên cứu khoa học với nhu cầu thực tiễn của thị trường, của sản xuất.
Ngược lại, tại Việt Nam, các doanh nghiệp còn nặng về gia công và sản xuất với phương thức cũ hoặc công nghệ nước ngoài. Vì vậy nhu cầu đầu tư cho R&D còn giới hạn. Để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiên cứu khoa học vẫn phải sử dụng nguồn kinh phí chủ yếu là từ ngân sách nhà nước. Điều này là cần thiết và đáng quý để duy trì hoạt động khoa học trong đào tạo và giáo dục, nhưng lại chưa gắn liền với thực tiễn kinh doanh sản xuất của thị trường. Các đề tài mang tính chủ quan của người làm nghiên cứu và của cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu.
"Sản phẩm đầu ra của các nghiên cứu này nặng về dữ liệu học thuật, về số lượng hơn chất lượng. Tuy vậy, sản phẩm là bài báo công bố trên các tạp chí chuyên ngành uy tín xét cho cùng thì là hình thức dễ đánh giá nghiệm thu nhất. Việc xuất bản đó có các chỉ số, chỉ tiêu minh bạch nên hạn chế tiêu cực", ông nói.
Lý giải gần đây số các công bố nghiên cứu khoa học gần đây tăng mạnh, PGS Quân nêu nguyên nhân là trong xu thế thị trường giáo dục ngày một cạnh tranh, các trường đại học xem việc kiểm định quốc tế là danh tiếng và uy tín của mình để tuyển sinh và các hoạt động khác. Trong các tiêu chuẩn kiểm định đó, con số công bố khoa học khá quan trọng vì thể hiện năng lực khoa học của trường đại học. Bên cạnh đó, đối với cá nhân nhà khoa học, số lượng và tổng chỉ số các công bố khoa học cũng là tiêu chuẩn quan trọng để được công nhận học hàm học vị và là thành tích có thể được nhận tiền thưởng, tăng lương.
Song ông nhìn nhận việc đăng ở các tạp chí quốc tế không hoàn toàn nói lên giá trị của nghiên cứu. PGS Quân cho hay người làm khoa học có tâm phải nêu cao tinh thần sáng tạo, giải quyết vấn đề thực tiễn, không phải chỉ dùng các tiểu xảo và kỹ năng viết bài báo để phô diễn số lượng công trình.
Như Quỳnh