Trong ngày "siêu sale" 11/11/2019, lần đầu tiên thức ăn chó mèo vượt qua sữa bột, trở thành sản phẩm bán chạy nhất sàn thương mại Tmall, với 14.000 tấn.
Các sản phẩm dành cho thú cưng tiếp tục tăng mạnh dịp 11/11 năm nay. Chỉ 10 phút sau khi mở bán, các giao dịch về thức ăn, sản phẩm tẩy giun và các sản phẩm dinh dưỡng cho vật nuôi trên sàn thương mại điện tử JD.com đã tăng lần lượt 22 lần, 6 lần và 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ những con số này, các nhà phân tích thị trường và nhà đầu tư đang chứng kiến sức mạnh của nền kinh tế thú cưng Trung Quốc. Theo sách dự kiến tiêu dùng của iResearch Consulting Group, ngành công nghiệp vật nuôi nước này tăng đều qua các năm và dự kiến sẽ đạt 348,8 tỷ tệ trong 2021. Tỷ lệ hộ nuôi chó mèo ở Trung Quốc là 1/5, trong khi ở Mỹ là 1/3, song tốc độ tăng chi tiêu cho vật nuôi cao gấp 5 lần Mỹ.
Báo cáo của iResearch cũng cho thấy 47% người nuôi chó mèo sinh từ những năm 90 và 41% sinh từ những năm 80 - nhóm này lớn lên cùng chính sách một con.
Nhân viên tiếp thị khách sạn Zhao Yi, 24 tuổi, bầu bạn với con chó xù tên là Ben Ben mỗi ngày tan làm. Anh sống với bố mẹ nhưng khoảng cách giữa họ ngày càng rộng ra. "Đôi khi Ben Ben khiến tôi tức giận. Nó lặng lẽ đi ngủ, hôm sau nó lại biết làm lành như người", anh nói. Đối với Zhao, sự đồng hành đơn giản như vậy tạo nên những khoảnh khắc ấm lòng.
Các đồng nghiệp của Zhao hầu như ai cũng có một con vật cưng. Với họ, thú cưng không còn là bảo vệ ngôi nhà, mà là bạn bè, đối tác và thậm chí là những đứa trẻ được yêu thương.
Tan Gangqiang, người đứng đầu một trung tâm tư vấn tâm lý ở Trùng Khánh, cho biết sự trỗi dậy của nền kinh tế vật nuôi có liên quan đến sự trưởng thành của thế hệ một con, đồng thời sự trống trải khi mắc kẹt ở nhà trong đại dịch cũng thúc đẩy giới trẻ tìm đến thú cưng.
Theo Tan, thế hệ một con được "cưng như trứng và đã quen sống thế giới ảo". Những tưởng họ có nhiều bạn bè, thực tế lại cô đơn vì xung đột thế hệ và không có anh chị em. Nhiều người làm việc ở thành phố, họ thiếu đi sự kết nối xã hội, vật nuôi trở thành nơi cung cấp kết nối tình cảm mà họ cần.
Sự gia tăng tổng thu nhập và mức sống của người dân là yếu tố trực tiếp thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành kinh tế vật nuôi. Hơn 60% người nuôi có thu nhập hàng tháng từ 8.000 đến 25.000 tệ (hơn 30 triệu đến gần 100 triệu đồng) và hơn 80% có trình độ ít nhất đại học. Năm 2020, chi tiêu bình quân đầu người hàng năm cho mỗi vật nuôi là 6.653 tệ (26 triệu đồng), tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Đối với một số hộ gia đình thu nhập trung bình, chi phí nuôi một con mèo tương đương chuyến du lịch của cả nhà đến Disneyland.
Xiaorong (biệt danh), 45 tuổi và con gái 14 tuổi đã nhận nuôi một con mèo hoang bị ốm và đã chi 1.000 tệ chữa bệnh cho nó. "Tôi để con gái quyết định cứu con mèo hay cùng gia đình đi du ngoạn Disneyland. Con đã chọn cứu mèo", cô nói.
Đây là con mèo thứ hai trong gia đình Xiaorong. Ngoài ra, họ có bốn con sóc Nam Mỹ và hai chuột hamster. Cô chi 1.000 tệ mỗi tháng cho toàn bộ thú cưng, thi thoảng phát sinh chi phí vài nghìn tệ.
Văn hóa nuôi thú cưng của Trung Quốc đang dần bén rễ trong tầng lớp trung lưu. Theo iResearch, người Trung Quốc chủ yếu nuôi để vui vẻ, giảm căng thẳng và đối phó với sự cô đơn, thì có 10% và 11% nuôi để củng cố nâng cao vị thế và gia tăng tương tác xã hội.
Thời kỳ chó mèo ăn đồ thừa đã qua. Giới trung lưu sẵn sàng chi 800 tệ mua một túi thức ăn cho mèo và 200 đến 400 tệ cho dịch vụ chải lông. Hàng loạt các dịch vụ khác đã mọc lên như: thám tử, mai mối thú, khách sạn, khu vui chơi, bảo hiểm, du lịch, người giao tiếp và khám bệnh từ xa cho thú cưng...
"Tại sao con mèo của tôi không muốn ngủ cùng tôi?", "Tại sao chó của tôi không muốn ăn?", "Sao con thỏ của tôi trốn khỏi nhà?"..., đây chỉ là một trong vô số các câu hỏi từ hách hàng với Bei Li, người chuyên nói chuyện với thú cưng.
Ba năm theo nghề, hiện Bei là giám đốc điều hành của một doanh nghiệp truyền thông về động vật đã được cấp bằng sáng chế, với 10 nhân viên và năm cửa hàng. Cô cho biết đã nắm bắt cơ hội kinh doanh này vì nhìn thấy viễn cảnh xán lạn của ngành.
Ngoài cung cấp dịch vụ, công ty cô còn mở khóa đào tạo cho chủ nuôi, để giao tiếp với chó mèo. Dịch vụ tư vấn có giá từ 268 đến 400 tệ, còn một khóa đào tạo đầy đủ có giá khoảng 15.800 tệ. Năm qua, doanh thu của công ty cô tăng 100%, 10 chuyên gia luôn kín lịch từ đầu tháng. Với kế hoạch tăng số lượng cửa hàng và dịch vụ trong cả nước, cô dự kiến doanh thu trong hai năm tới sẽ tăng 100% đến 300%.
Bei cho rằng sự phát triển của ngành giao tiếp động vật phản ánh sự chuyển mình của toàn ngành thú cưng. Khi mọi người có mức sống tốt hơn, họ cung muốn vật nuôi sống tốt. Thế hệ người trẻ quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần vật nuôi, ngược lại người lớn tuổi quan tâm hơn đến sức khỏe thể chất của chúng.
"Sự khác biệt rõ rệt phản ánh tâm trí của các độ tuổi. Khi chúng tôi chăm sóc thú cưng thì nhu cầu tâm lý của người nuôi cũng được đáp ứng", cô nói.
Bảo Nhiên (Theo Thinkchina)