Chị Anh Thơ, 42 tuổi, ở quận Cầu Giấy từng nghĩ cưỡi ngựa là môn thể thao mạo hiểm, chỉ dành cho người lớn. Mọi chuyện đã thay đổi khi chị đưa con gái Quỳnh Anh, 10 tuổi, tham gia buổi dã ngoại của nhóm học sinh trong câu lạc bộ đàn violin hôm 18/11.
Hôm đó có gần 20 em nhỏ và bố mẹ, gặp gỡ trong khuôn viên một câu lạc bộ ngựa tại Vân Canh, huyện Hoài Đức. Không chỉ biết đánh đàn, đa số các em trong nhóm đều biết cưỡi ngựa. Sau khi đội mũ bảo hiểm, mặc đồ bảo hộ, năm em từ 10 tuổi đến 15 tuổi nhận ngựa, leo lên yên mà không cần sự trợ giúp. Chưa đầy một phút, tất cả bắt đầu cho ngựa đi bộ rồi phi nước kiệu nhịp nhàng.
"Tôi cứ nghĩ cưỡi ngựa chỉ dành cho người lớn", chị Thơ nói khi biết thú chơi cưỡi ngựa đã xuất hiện tại Hà Nội khoảng 5 năm nay.
Cưỡi ngựa (Equestrianism, Horse riding) là môn thể thao xuất phát từ châu Âu. Khác với hình dung của nhiều người, cưỡi ngựa không đòi hỏi người điều khiển ngựa chạy nhanh (đua ngựa) mà phải biết cách điều khiển ngựa di chuyển theo những động tác chính xác và linh hoạt theo ý của mình.
Bộ môn này du nhập vào Việt Nam khá sớm, từ những năm 1932-1942, nhưng phải đến năm 2010, một số câu lạc bộ dạy cưỡi ngựa mới được thành lập tại Hà Nội và TP HCM.
Chị Nguyễn Thị Hòa Hợp, 48 tuổi, quản lý câu lạc bộ ngựa cho biết, đơn vị thành lập được hơn 10 năm. Thời gian đầu, người chơi chủ yếu là người nước ngoài hoặc du học sinh. Sau vài năm, khách trong nước mới biết và đăng ký trải nghiệm nhiều hơn.
"Từ khi có Covid-19, các gia đình không thể đi du lịch, trẻ em học online và ở nhà dài ngày do các lệnh giãn cách nên ngày càng nhiều phụ huynh đăng ký cho con học cưỡi ngựa", chị Hợp nói.
Chị Nguyễn Minh Nguyệt, ở quận Hoàng Mai cũng đăng ký cho con trai Phạm Bách, 13 tuổi, học cưỡi ngựa sau khi được xem giáo trình dạy, chứng kiến sự hướng dẫn của các huấn luyện viên cùng đồ bảo hộ.
Cậu bé Bách từng chơi bóng rổ, bơi lội, đá bóng nhưng chỉ đến khi được cưỡi ngựa, em mới tỏ ra đặc biệt đam mê. Từ ngày theo học, chị Nguyệt cảm nhận con trai có tác phong nhanh nhẹn hơn, biết quan tâm, thể hiện tình cảm với con vật và cải thiện sức khoẻ.
Nghiên cứu của Đại học Nông nghiệp Toyko công bố trên tạp chí Frontiers in Public Health năm 2017, phát hiện những chuyển động trên lưng ngựa sẽ kích hoạt trí não, có thể cải thiện khả năng nhận thức ở trẻ em, giúp tăng cường trí nhớ và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Để có thể cưỡi ngựa thuần thục, mỗi học viên phải trải qua khóa học 12 buổi, mỗi buổi từ 30 đến 45 phút, theo phương pháp một kèm một. Với trẻ em, ngoài huấn luyện viên sẽ có thêm một nhân viên hỗ trợ. Tại đây, học viên được dạy cách điều khiển ngựa đi bộ, đi vòng tròn, vượt qua các chướng ngại vật. Sau là chạy đường dài, phi nước kiệu, điều khiển ngựa leo dốc...
Hiện, học phí mỗi khóa là 6 triệu đồng. Gia đình chị Nguyệt còn chi thêm từ 8 đến 10 triệu đồng mỗi năm để mua thẻ thành viên cho con trai tập duy trì. "Đắt nhưng đáng", chị Nguyệt nói khi thấy Bách rèn được tính kiên trì, chinh phục thử thách và thoải mái hơn sau những giờ học.
Số gia đình chi mạnh tay cho con học môn thể thao này không nhiều. Hiện, câu lạc bộ của chị Hợp có gần 30 con ngựa nhập ngoại và bốn huấn luyện viên để phục vụ hơn 100 người học, độ tuổi từ 7 đến hơn 60. Số học viên nhỏ tuổi chỉ chiếm hơn 25%.
Anh Bùi Thanh Hải, 26 tuổi, huấn luyện viên với gần 10 năm kinh nghiệm cho biết trong mùa Covid, lịch dạy của anh kín tuần. Vào ngày cuối tuần hoặc dịp lễ lượng khách đến câu lạc bộ tăng mạnh.
Khác với người lớn, dạy trẻ nhỏ cưỡi ngựa yêu cầu cao hơn về kỹ năng. Bắt đầu từ việc cho ăn, vuốt ve, dắt ngựa đi bốn vòng quanh sân (2 vòng trái, 2 vòng phải) để làm quen. Sau đó huấn luyện viên hướng dẫn cách thức kiểm tra dây cương, tư thế lên ngựa, cách ngồi cho đến các bài tập khởi động trên yên. Trong lúc các nhân viên dắt ngựa đi vòng quanh sân, học viên thực hiện các động tác xoay tay, xoay vai, đầu, cổ, làm dẻo lưng, hông ngay trên lưng ngựa theo hướng dẫn. Độ khó tăng dần theo thời gian.
"Trong quá trình tập vẫn có thể xảy ra tình huống học viên bị ngã xuống sân cát, nhưng chúng tôi luôn trang bị cho người học những tình huống xử lý khi gặp sự cố", anh Hải nói.
Sau giãn cách, vợ chồng anh Lê Minh, huyện Hoài Đức cũng đăng ký cho hai con 10 tuổi và 7 tuổi học, với chi phí gần 30 triệu đồng. Trước khi tham dự khóa học, cô bé Minh Khuê, 7 tuổi khá rụt rè. Nhưng dần được làm quen với ngựa, cô bé trở nên linh hoạt, mạnh dạn hơn.
"Con không cần sự trợ giúp của các cô chú huấn luyện viên vẫn có thể điều khiển được con ngựa", Minh Khuê khoe.
Sau buổi trải nghiệm của con gái, chị Anh Thơ dự tính sẽ đăng ký cho Quỳnh Anh và con trai 15 tuổi học cưỡi ngựa. "Tìm được môn thể thao các con yêu thích, lại tốt cho sức khỏe, vợ chồng tôi không ngại chi tiền", nữ phụ huynh bộc bạch.
Quỳnh Nguyễn