Theo ThS.BS Ngô Thị Kim Ánh, Phó Giám Đốc điều trị ngoại trú và Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tim Tâm Đức, đa số bệnh nhân tăng huyết áp là người lớn tuổi. Quá trình lão hóa làm động mạch mất dần độ đàn hồi, trở nên xơ cứng hơn, từ đó làm tăng áp lực dòng máu, đây là tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát.
Song nhiều khảo sát hiện nay cho thấy số bệnh nhân tăng huyết áp không ngừng gia tăng, đáng chú ý là người bệnh ngày càng trẻ hóa. Theo đó, có nhiều nguyên nhân góp phần làm tăng huyết áp ở người trẻ như lối sống tĩnh tại ít vận động, chế độ ăn không lành mạnh như ăn mặn, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa chất béo bão hòa; lạm dụng rượu bia; hút thuốc lá; căng thẳng kéo dài...
Một số bệnh lý chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, tăng mỡ máu có xu hướng tăng nhanh ở người trẻ là một yếu tố quan trọng dẫn đến tăng huyết áp. Ngoài ra, khoảng 10% tăng huyết áp người trẻ do bệnh lý như u tuyến thượng thận, hẹp động mạch thận, hội chứng Cushing... Trường hợp này được gọi là tăng huyết áp thứ phát và có thể ổn định huyết áp khi điều trị được nguyên nhân.
"Tăng huyết áp giai đoạn sớm thường thầm lặng vì không có dấu hiệu báo trước hoặc nếu có thì rất mơ hồ như nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt...", bác sĩ Ánh nói.
Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi mọi người tự kiểm tra để biết con số huyết áp và theo dõi định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Chẩn đoán tăng huyết áp được đặt ra khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên, cũng có thể cả hai cùng đạt ngưỡng này.
Chẩn đoán tăng huyết áp hoàn toàn dựa trên chỉ số huyết áp. Do đó đo huyết áp đúng cách là yêu cầu rất quan trọng. Vì vậy, khi nghi ngờ tăng huyết áp, bệnh nhân nên khám chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán xác định, tư vấn điều trị phù hợp và tầm soát sớm các biến chứng.
Mỹ Ý