Tỷ lệ già hóa dân số tăng kéo theo gánh nặng về bệnh truyền nhiễm gia tăng trong những năm tới. Theo các chuyên gia, cần có chính sách y tế đổi mới để biến việc tiêm chủng cho người lớn thành tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe, giống với tiêm chủng ở trẻ em nhằm củng cố nền kinh tế, các dịch vụ y tế và đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh cho người dân.
Gánh nặng dân số già
Trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 23/4 của GSK, tiến sĩ Piyali Mukherjee, Phó chủ tịch kiêm Trưởng phòng Y tế Toàn cầu về Vaccine của hãng, cho biết tính đến năm 2030, cứ 6 người trên toàn thế giới thì có một người trên 60 tuổi. Ước tính đến năm 2050, thế giới có 2,1 tỷ người trên 60 tuổi. Bên cạnh đó, cứ mỗi trẻ em dưới 5 tuổi tương đương với ba người trên 60 tuổi.
Trước bối cảnh dân số ngày càng già hóa, người cao tuổi phải đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe. Quá trình lão hóa tự nhiên theo tuổi tác thường đi cùng sự suy giảm khối cơ và chức năng miễn dịch, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa suy giảm, trí nhớ kém minh mẫn, xương khớp không còn linh hoạt.
Theo dự báo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
Trong đợt dịch Covid-19, nhóm người trên 60 tuổi cũng có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất. Sau khi mắc bệnh, các triệu chứng của người cao tuổi cũng nghiêm trọng hơn. Số liệu từ đợt dịch Covid-19 tại Mỹ cho thấy nhóm người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) có nguy cơ nhập viện cao gấp 5-15 lần so với nhóm thanh thiếu niên (18-29 tuổi).
"Điều đáng lo ngại là cơ sở hạ tầng và sức khỏe liệu có sẵn sàng để giải quyết gánh nặng to lớn này, khi nhóm dân số già ngày một lớn hơn hay không?", tiến sĩ Mukherjee nói.
Bệnh mạn tính khiến bệnh thường quy nguy hiểm hơn
Hiện tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,6. Tuy nhiên, người cao tuổi ở Việt nam mắc từ ba đến 4 bệnh. Dù có tuổi thọ tương đối cao so với các nước cùng mức sống, người Việt có số năm sống với bệnh tật nhiều. Mỗi người Việt Nam trung bình có 10 năm phải sống với bệnh tật. Điều này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.
Theo tiến sĩ Mukherjee, tỷ lệ tử vong ở người lớn tuổi cao gấp 17 đến 19 lần so với người trẻ. Vì vậy, hậu quả của các bệnh thông thường sẽ nghiêm trọng hơn. Bên cạnh tình trạng suy giảm miễn dịch, người cao tuổi đối mặt với nỗi lo bệnh nền, chẳng hạn tiểu đường, tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư. Đây là những bệnh chưa thể phòng ngừa bằng vaccine.
Theo tiến sĩ Mondher Mahjoubi, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng phòng Y tế và Vaccine Toàn cầu của GSK, các bệnh thường quy như virus hợp bào hô hấp thông thường (RSV) đã khiến 300.000 người nhập viện. Nghiên cứu chỉ ra rằng loại virus tưởng chừng vô hại với người lớn này có thể khiến tỷ lệ nhập viện của bệnh nhân thận mạn tính tăng cao 6 lần so với người không bị bệnh.
Trong khi đó, người mắc bệnh phổi và hô hấp như phổi tắc nghẽn mạn tính và hen suyễn có nguy cơ nhập viện cao gấp ba đến 4 lần khi nhiễm RSV. Dù có thể ra viện, khoảng 6 tháng sau, nhiều người cao tuổi vẫn không thể tự sinh hoạt một cách độc lập.
Tiêm phòng là giải pháp
Các gánh nặng về sức khỏe ở nhóm dân số già cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm phòng cho người cao tuổi. Nghiên cứu thực hiện tại Italy, đánh giá độ hiệu quả của ba chương trình tiêm chủng ở người lớn cho thấy nước này đã tiết kiệm được 129 triệu Euro, giúp 200.000 người tránh khỏi cảnh bệnh tật. Dữ liệu từ Hà Lan cũng chỉ ra rằng mỗi euro đầu tư vào việc tiêm chủng cho một người trên 50 tuổi sẽ giúp tiết kiện được 4 Euro trên đầu người.
"Vì vậy, tiêm chủng cho người lớn thực sự là biện pháp can thiệp hiệu quả", bà Mukherjee nhận định.
Liên Hợp Quốc (UN) gọi giai đoạn 2020-2030 là thập kỷ về "già hóa khỏe mạnh". Tổ chức ước tính các chương trình tiêm chủng sẽ ngăn ngừa khoảng 15 triệu ca tử vong. Như vậy, vaccine trở thành một trong những biện pháp can thiệp y tế thành công và tiết kiệm chi phí nhất. Đây cũng là giải pháp giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế và cả nền kinh tế.
Dù vậy, tiến sĩ Mukherjee nhận định tỷ lệ tiêm chủng ở người lớn tại các nước còn thấp. Hiện tỷ lệ bao phủ vaccine cho trẻ em đạt khoảng 90%. Tuy nhiên, khoảng cách đối với vaccine cho người trưởng thành và người cao tuổi là rất lớn. Trong khi đó, thế giới vừa thoát khỏi ba năm đại dịch, vẫn đang ở trong bối cảnh thách thức, với gánh nặng bệnh truyền nhiễm gia tăng.
Để giải quyết vấn đề đó, tiến sĩ Jane M Barratt, cố vấn toàn cầu của Liên đoàn Quốc tế về Lão hóa, nhận định chính phủ cần tạo ra những "gói tăng cường và phòng ngừa trong lĩnh vực sức khỏe", với vaccine cho người cao tuổi là một phần trong đó, để phân bổ ngân sách đầu tư.
Thục Linh