Ngày 12/6, vụ xả súng tại câu lạc bộ đồng tính Pulse ở Orlando (Mỹ) đã cướp đi sinh mạng 49 người và khiến 53 người bị thương. Giới chức kêu gọi công dân hiến máu song từ chối cộng đồng đồng tính gây nên tranh cãi dữ dội.
Theo Wired, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra lệnh cấm đàn ông có quan hệ đồng tính đi hiến máu vào năm 1983 khi đại dịch AIDS mới bắt đầu. Ngày đó, hiểu biết ít ỏi về loại virus này làm dấy lên nỗi lo sợ. Giờ đây, xét nghiệm HIV trở nên đơn giản hơn, giới y học dần nới lỏng đạo luật trước kia. Tháng 12/2015, FDA quyết định sửa đổi, cho phép nam nữ đồng tính được hiến máu nếu không sex trong 12 tháng trở lại.
Giải thích về hạn mức 12 tháng, FDA cho rằng các bài kiểm tra không thể phát hiện virus mới nhiễm. Một xét nghiệm thông thường chỉ phát hiện HIV nếu bệnh nhân đã nhiễm 25 ngày. Tuy vậy, các nhà phê bình chỉ ra nếu đàn ông hoặc phụ nữ dị tính quan hệ với nhiều đối tác thì nguy cơ phát tán bệnh tật vẫn còn.
Trên thực tế, đại dịch HIV ảnh hưởng chủ yếu đến người đồng tính và lưỡng tính. Dựa trên dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh, nam giới đồng tính đại diện cho 4% đàn ông Mỹ nhưng chiếm đến 63% ca nhiễm HIV mới và 54% trường hợp đang sống với virus. Louis M. Katz, giám đốc y tế mạng lưới hiến máu Mỹ nhận định hướng dẫn của FDA là "cực kỳ thận trọng và phù hợp". Katz bổ sung thời gian trì hoãn có thể được rút ngắn còn 6 tháng hoặc 30 ngày nhưng vẫn sẽ gây cảm giác bị kỳ thị.
Kelsey Louie, giám đốc điều hành tổ chức Khủng hoảng Y tế Đồng tính Nam coi sự thay đổi của FDA mới chỉ là "những bước đi cỏn con". "Một số người muốn được hiến máu mà không được phép", ông nói về vụ thảm sát ngày 12/6.
Ngoài Mỹ, các nước Anh và Australia cũng áp dụng luật cấm hiến máu đối với người đồng tính có quan hệ tình dục trong vòng một năm. Ở những nơi khác như Italy, giới chức xem xét số lần ân ái không an toàn của mọi cá nhân chứ không riêng nam giới đồng tính. Từ khi áp dụng biện pháp này vào năm 2001, tỷ lệ nhiễm HIV của Italy hầu như không tăng.
Minh Nguyên