Theo BBC, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết nước này cấm người đồng tính nam hiến máu từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng AIDS những năm 1980. Mới đây, Mỹ thay đổi chính sách trên dựa vào một kết quả kiểm tra khoa học mới nhất cho thấy lệnh cấm này vốn không cần thiết trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV.
Hồi tháng 11, Pháp cũng bỏ quy định này sau 30 năm áp dụng. Trước đó Anh, Australia, Nhật và New Zealand cũng đã ra quyết định tương tự. Theo đó, Anh (trừ Bắc Ireland), Nhật Bản và Australia cho phép đồng tính nam hiến máu sau 12 tháng kể từ lần quan hệ cuối cùng với bạn tình. Canada tương tự nhưng thời gian dài hơn là 5 năm. Italy, Mexico, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga và Tây Ban Nha và một số quốc giá khác khắt khe hơn trong quá trình kiểm tra trước khi tham gia hiến máu.
Những người ủng hộ quyền đồng tính nam cho rằng sự cải cách trong chính sách vẫn thể hiện sự phân biệt. Stacy, một phát ngôn viên cho chiến dịch nhân quyền nói: "Cấm người đồng tính nam hiến máu là không có cơ sở y tế và càng bêu xấu họ. Họ kết hôn đồng tính một vợ một chồng thì cấm, trong khi đó những người đàn ông thực sự quan hệ với hàng trăm bạn tình thì lại được phép hiến máu".
FDA thừa nhận cấm người đồng tính nam hiến máu trong suốt 30 năm có vẻ hơi khắt khe nhưng thực tế cho thấy đã giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ một trong 2.500 người xuống còn một trong 1,47 triệu người. Chính sách mới đưa người đồng tính nam vào chung nhóm với người có quan hệ tình dục với gái mại dâm hoặc đã sử dụng thuốc đường tĩnh mạch trong 12 tháng qua đang bị cấm hiến máu.
Thêm vào đó, FDA cho biết những người mắc chứng máu khó đông và các bệnh liên quan đến rối loạn đông máu sẽ tiếp tục bị cấm hiến máu. FDA cũng áp dụng hệ thống giám sát an toàn đối với nguồn cung cấp máu để quyết liệt ngăn chặn lây nhiễm HIV.
Lê Nga