Khi những người dân Catalonia tới địa điểm bỏ phiếu trưng cầu dân ý ngày 1/10, họ chỉ phải trả lời một câu hỏi duy nhất: "Bạn có muốn Catalonia trở thành quốc gia độc lập dưới hình thức nước cộng hòa hay không?".
Chính quyền vùng tự trị Catalonia hôm nay thông báo theo kết quả sơ bộ, trên hai triệu người Catalonia, tương đương 90,9% số người đi bỏ phiếu, chọn "Có". Chỉ 7,87%, nói "Không".
Giới chuyên gia đánh giá kết quả trưng cầu dân ý này có nguy cơ đẩy Tây Ban Nha rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1975 tới nay.
Theo Politico, Catalonia chỉ chiếm 6% lãnh thổ Tây Ban Nha và 16% dân số, song đóng góp tới 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 1/4 tổng lượng xuất khẩu và hơn 1/2 giá trị đầu tư doanh nghiệp khởi nghiệp trong năm 2016. Thiếu Catalonia, Tây Ban Nha có thể vẫn giữ được vị thế nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), sau Đức, Pháp và Italy, nhưng sẽ suy yếu đáng kể.
Khi thông tin 90% người bỏ phiếu trưng cầu dân ý muốn tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha được công bố, đồng euro đã giảm 0,33%, xuống mức 1,1776 USD vào sáng 2/10 trên thị trường châu Á.
"Vụ việc ở Catalonia khiến đồng euro giảm giá trong phiên giao dịch sớm nhưng nó có lẽ không thể mang đến những tác động tiêu cực lớn hơn cho giá cả tài sản châu Âu", Bloomberg dẫn lời ông Khoon Goh, người đứng đầu ban nghiên cứu châu Á thuộc ngân hàng ANZ tại Singapore, nhận xét.
Vì sao người Catalonia muốn độc lập?
Theo Washington Post, đối với những "người đòi độc lập" ở Catalonia, cuộc đấu tranh thực tế bắt đầu từ cách đây hơn ba thế kỷ, khi vua Philip V của Tây Ban Nha chiếm Barcelona vào năm 1714. Năm 1932, các lãnh đạo khu vực tuyên bố thành lập Cộng hòa Catalonia. Chính phủ Tây Ban Nha đã đồng ý để Catalonia trở thành vùng tự trị.
Nhưng khi Francisco Franco lên nắm quyền thủ tướng Tây Ban Nha vào năm 1939, ông đã đàn áp có hệ thống mọi nỗ lực đòi quyền tự trị ở Catalonia, quét sạch tất cả các thể chế và ngôn ngữ riêng biệt ở đây.
Sau khi Franco qua đời, cuộc đấu tranh đòi độc lập được khởi động lại một cách nghiêm túc. Năm 2006, Catalonia có bước tiến lớn khi đàm phán với Madrid về một đặc quyền, đòi công nhận vùng này là "quốc gia". Tuy nhiên, năm 2010, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha ra phán quyết bác yêu cầu trên, khiến những tiếng nói đòi độc lập càng bùng lên mạnh mẽ.
Ngày nay, Catalonia nắm trong tay quyền tự chủ tài chính lớn hơn nhiều so với hầu hết các khu vực khác ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ đối với không ít người dân Catalonia, như New York Times giải thích: "Nhiều người Catalonia lớn lên và tin rằng họ đơn giản không phải người Tây Ban Nha".
Mặt khác, Catalonia cũng là khu vực giàu có với mức độ công nghiệp hóa cao nhất ở Tây Ban Nha, với các ngành công nghiệp nổi trội như luyện kim, chế biến thực phẩm, dược phẩm và hóa học. Nơi đây còn phát triển bùng nổ về du lịch, nhờ vào những địa điểm thu hút du khách nổi tiếng như Barcelona. Catalonia chiếm 16% dân số và đóng góp 20% vào nền kinh tế quốc gia Tây Ban Nha.
Người dân Catalonia phàn nàn rằng họ đóng lượng thuế lớn cho chính quyền Tây Ban Nha nhưng được nhận lại không tương xứng. Năm 2014, Catalonia khẳng định họ trả nhiều hơn 11,8 tỷ USD cho các cơ quan thuế Tây Ban Nha so với số tiền nhận về.
Tuy nhiên, theo BBC "sự phức tạp trong quá trình phân bổ ngân sách khiến việc tính toán xem người Catalonia đóng góp thuế nhiều hơn bao nhiêu so với những gì họ nhận được thông qua các khoản chính phủ đầu tư vào phúc lợi của khu vực, chẳng hạn như giáo dục hay y tế, trở nên vô cùng khó khăn".
Chính quyền Tây Ban Nha phản ứng ra sao?
Cảnh sát thu hòm phiếu, đụng độ người bỏ phiếu ở Catalonia.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy lên án cuộc trưng cầu dân ý về việc tách rời Catalonia là phi pháp.
"Tôi nói điều này hoàn toàn chắc chắn và bình tĩnh: Sẽ không có trưng cầu dân ý, nó sẽ không diễn ra", ông Rajoy tuyên bố. Theo Thủ tướng Tây Ban Nha cũng như các quan chức khác trong chính quyền, cuộc bỏ phiếu làm suy yếu luật pháp và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
Ông Rajoy điều hàng nghìn binh sĩ, cảnh sát tới Catalonia để ngăn cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào hôm qua. Cảnh sát tiến hành tịch thu hàng triệu lá phiếu, bắt giữ hàng chục quan chức ủng hộ độc lập. Trang web đưa thông tin về cuộc bỏ phiếu đã bị đóng.
Các cuộc đụng độ nổ ra giữa cảnh sát và người bỏ phiếu đến nay khiến ít nhất 761 người bị thương. Tuy nhiên, chính quyền Tây Ban Nha khẳng định cảnh sát hành động chuyên nghiệp và tương xứng.
Những người chỉ trích cho rằng sự thiếu linh hoạt của Thủ tướng Rajoy trong việc xử lý cuộc khủng hoảng đã làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Người phản đối Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha nói gì?
Những người nói "không" với kế hoạch tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha lo sợ kinh tế khu vực sẽ chịu tổn thất nặng nề nếu kịch bản trên diễn ra. Để một Catalonia mới độc lập gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gần như là điều không thể. Như vậy, chi phí xuất nhập khẩu chắc chắn tăng, nhiều việc làm sẽ bị mất đi.
Họ còn lo sợ Catalonia sẽ quay mặt với những người muốn nhập cư vào khu vực. Một người bỏ phiếu "không" đã sống tại Catalonia từ năm 1979 cho biết ông sợ chủ nghĩa dân tộc của khu vực bị biến thành thứ gì đó giống như phân biệt chủng tộc.
"Họ đã tạo ra một con quái vật ảo giác và quá khích", New York Times dẫn lời Gabriel Zafra, giám đốc điều hành một hiệp hội di dân từ khu tự trị Extremadura, bình luận. "Họ đã hứa về một vùng đất Narnia. Họ đã hứa về một Catalonia tràn đầy hoa, nơi người dân hạnh phúc đi lễ nhà thờ mỗi Chủ nhật. Đó đều là những lời nói dối".
Như AP lý giải, những người nói "không tách rời" tự cho bản thân mình là một "cộng đồng thầm lặng". Theo họ, nếu lên tiếng, người dân có thể sẽ rơi vào một xã hội bị cô lập, kỳ thị và thường xuyên phải đối diện với tình trạng bạo lực.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Bất kể kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10 ra sao, để tuyên bố độc lập, Catalonia vẫn còn một con đường dài phải đi. Tây Ban Nha sẽ không công nhận kết quả trưng cầu dân ý hay bất kỳ cuộc bỏ phiếu độc lập nào ở quốc hội Catalonia. Madrid đã sẵn sàng đối phó với những cuộc biểu tình lớn, thậm chí là nhiều tháng hỗn loạn.
Chính quyền Tây Ban Nha cho hay họ ủng hộ cải cách hiến pháp, đồng ý cung cấp nhiều nguồn vốn cũng như quyền tự chủ tài chính lớn hơn cho Catalonia nếu vùng tự trị này hủy bỏ trưng cầu dân ý. Cuộc bỏ phiếu thực tế vẫn diễn ra, nhưng sau đó, khi bầu không khí cuồng nhiệt lắng xuống, không ai dám chắc các lãnh đạo Catalonia sẽ không ngồi vào bàn đàm phán, cây bút Amanda Erickson từ Washington Post nhận định.
Vũ Hoàng