Pháp đang tiến hành một chiến dịch tìm kiếm quy mô nhằm săn lùng thủ phạm vụ tấn công hôm 7/1 nhằm vào tòa soạn tạp chí trào phúng Charlie Hebdo ở Paris khiến 12 người thiệt mạng.
Nhà chức trách cho hay lực lượng an ninh đã lần theo hai nghi phạm Cherif Kouachi, 32 tuổi, và Said Kouachi, 34 tuổi, tới một khu rừng ở miền bắc Pháp. Khoảng 88.000 nhân viên cảnh sát đang ráo riết thực hiện nhiệm vụ truy lùng này.
Việc các tay súng tuyên bố chúng là thành viên của al-Qaeda ở Yemen dẫn tới một nghi vấn khó tránh khỏi là vụ tấn công có liên quan tới các tổ chức khủng bố gốc Hồi giáo, quan sát viên Con Coughlin từ Daily Telegraph nhận định. Những nhóm khủng bố Hồi giáo hiện đại có cơ cấu chặt chẽ hơn nhiều so với các tổ chức tiền nhiệm và đủ khả năng thực hiện những vụ tấn công ở tất cả các cấp độ.
Lực lượng an ninh "chậm chân"
Sự tinh vi của các nhóm khủng bố phần nào khiến lực lượng an ninh cảm thấy lúng túng trong việc đối phó với những mối nguy hại chúng mang lại. "Nếu các tay súng có mối liên kết với khủng bố thì ai biết được chúng sẽ tẩu thoát kiểu gì", Steve Gomez, cựu lãnh đạo Cơ quan Chống Khủng bố của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ở Los Angeles, đánh giá, nhấn mạnh những hỗ trợ mà mạng lưới khủng bố có thể mang lại cho hai kẻ tình nghi.
Theo ông Jean-Pierre Filiu, giáo sư nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Quan hệ Quốc tế Pháp, nhà ngoại giao lâu năm ở các nước Arab, rõ ràng các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật Paris nhận thức được mối nguy tiềm tàng đến từ những thành phần có cảm tình với chủ nghĩa cực đoan nhưng họ "vẫn chậm chân trong việc ngăn chặn" những nhóm này.
Nhiều báo cáo cho thấy hai kẻ tình nghi trong vụ thảm sát tại tòa báo Charlie Hebdo đều nằm trong diện cần chú ý của chính quyền. Anh em nhà Kouachi còn có tên trong cơ sở dữ liệu TIDE, liệt kê những phần tử khủng bố quốc tế được biết đến hoặc bị tình nghi của Mỹ, và cũng thuộc danh sách cấm bay của Washington trong nhiều năm qua. Tuy vậy, lực lượng an ninh "vẫn không thể chặn đứng âm mưu" của các tay súng, Ely Karmon, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chống Khủng bố Quốc tế (ICT) bình luận.
Sau vụ việc tại trung tâm Paris, nước Pháp lại phải tiếp tục hứng chịu những cuộc tấn công mới dù đã được đặt trong tình trạng cảnh báo cấp độ cao nhất. Tối 7/1, ba quả lựu đạn được ném vào một nhà thờ Hồi giáo ở Le Mans. Một trong số này phát nổ nhưng không gây ra thiệt hại về người. 6h sáng hôm qua, một vụ nổ khác xảy ra tại nhà hàng thịt nướng cạnh nhà thờ Hồi giáo ở Villefranche-sur-Saone, gần Lyon, miền đông nước Pháp. Cùng ngày, vụ xả súng tại khu vực Montrouge, phía nam Paris, cũng khiến một nữ cảnh sát thiệt mạng. Tất cả những sự kiện xảy ra trong gần ba ngày qua buộc giới phân tích phải đặt nghi vấn về năng lực của cơ quan an ninh Pháp.
Kế hoạch tinh vi
Nhiều chuyên gia nhận định, những kẻ thực hiện các cuộc tấn công khủng bố đơn lẻ thường có hiểu biết sơ sài về các loại vũ khí, vật liệu nổ đồng thời vạch ra chiến lược tẩu thoát nghèo nàn, điển hình như trong vụ bắt giữ con tin tại quán cafe ở Sydney, Australia, hồi tháng 12 năm ngoái hay cuộc tấn công nhằm vào tòa nhà Quốc hội Canada hồi tháng 10. Tuy nhiên, ba tên thực hiện vụ thảm sát tại tòa báo có vẻ khá giàu kinh nghiệm, theo ABC News.
Một nhân chứng giấu tên cho biết các nghi phạm hành động chuyên nghiệp đến nỗi anh lầm tưởng chúng là thành viên của một lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố. "Chúng biết chính xác cần làm gì và ngắm vào đâu. Trong khi một tên kiểm tra giao thông, tên còn lại bắn phát súng cuối cùng", AP dẫn lời nhân chứng kể lại vụ việc kẻ tấn công giết chết nhân viên cảnh sát chạm trán trên phố.
"Chúng hành động bình tĩnh và có kiểm soát", Richard Clarke, cựu cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng, bình luận. "Chúng dường như có kinh nghiệm bắn súng, thể hiện ở việc không xả đạn bừa bãi. Chúng cũng không tỏ ra quá điên cuồng hay lúng túng", ông nói thêm, "nhiều khả năng chúng còn từng trải qua huấn luyện quân sự".
Một cựu sĩ quan từng hoạt động trong đơn vị chống khủng bố cũng đồng tình với suy nghĩ trên đồng thời thêm rằng những kẻ đeo mặt nạ trang bị súng tiểu liên AK-47 này phải tiến hành các cuộc thăm dò, đánh giá và khảo sát mục tiêu từ trước mới có thể hành động nhanh gọn và tìm cách thoát thân hiệu quả đến vậy. Tất cả đều không có dấu hiệu của sự hoảng loạn. "Tôi không nghĩ một ai đó có thể làm giống chúng ngay ở lần đầu tiên hành động", ông nói.
Trong một đoạn băng quay lại cảnh tượng những kẻ tấn công bắn hạ nhân viên cảnh sát, một tên trong số chúng đã cúi xuống nhặt vật gì đó lên, có vẻ như là một chiếc giày, gần chiếc xe tẩu thoát. Đây là điều mà những kẻ nghiệp dư ở vào hoàn cảnh đó chắc chắn sẽ bỏ qua, vị cựu sĩ quan nhận xét.
"Chúng đảm bảo phải giết được viên cảnh sát. Chúng được trang bị tốt, có cả băng đeo vũ khí. Chúng di chuyển nhanh và dường như cũng rất khỏe mạnh. Đây không giống một nhóm những kẻ hành động trong giận dữ", ông nói.
Theo Craig Dotlo, đặc vụ FBI về hưu, cảnh sát Pháp có lẽ sẽ tiến hành phỏng vấn các nhân chứng và xem lại các đoạn video an ninh quanh khu vực tòa báo để tìm kiếm thêm mọi thông tin dù là nhỏ nhất. "Tôi dám cá bạn sẽ nhìn thấy chúng tập dượt trước khi hành động, lên kế hoạch, qua lại địa điểm nhiều lần để quan sát và vạch lộ trình thoát thân", Paul Fennewald, điều phối viên an ninh tại Missouri, Mỹ, khẳng định. "Cuộc tấn công tương đối đơn giản nhưng cơ chế đằng sau nó thì phức tạp hơn nhiều", ông nói.
Steve Gomez cho rằng vụ việc lần này rất khác biệt so với những cuộc tấn công khủng bố đơn lẻ trong thời gian gần đây. "Nhiều kẻ tấn công đơn độc thường nghĩ đến cái chết khi bắt tay vào hành động. Những gì diễn ra ở Paris không phải là một nhiệm vụ tự sát", ông nói. "Chúng đi vào, bắn chết người rồi đi ra. Chúng ắt hẳn đã lên sẵn một phương án đào tẩu".
Tuy nhiên vụ tấn công không hẳn là không có những sơ suất. Trên trang Twitter, một người chứng kiến vụ việc cho hay thủ phạm "thiếu chút nữa thì xông vào nhầm văn phòng".
Chuyên gia CNN phân tích về đường đào tẩu của các nghi phạm:
Vũ Hoàng