Nguyên nhân là không đủ số doanh nghiệp đăng ký dự thầu. Tính đến 17 giờ ngày 19/4, chỉ có một đơn vị tham gia đặt cọc, nguồn tin trong giới tài chính cho tôi biết. Phiên đấu thầu tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày mai nếu số lượng đối tác tham gia đủ như quy định.
"Chúng tôi đang cân nhắc khả năng tham gia đấu thầu" là câu trả lời phổ biến mà tôi nhận được khi trao đổi với một số doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý và ngân hàng có chức năng kinh doanh vàng.
Khối lượng đặt thầu tối thiểu 1.400 lượng là băn khoăn đầu tiên của các bên mua. Theo dữ liệu bộ phận kinh doanh vàng, ngoại hối của một ngân hàng, hiện tại nhu cầu tiêu thụ vàng miếng SJC bình quân của toàn thị trường khoảng 200-300 lượng/ngày. Ngày cao điểm ghi nhận mức bán ra 400 lượng - gần như cao nhất kể từ đầu năm nay. Gần đây khi người tiêu dùng chuyển sang mua vàng nhẫn, sức tiêu thụ vàng miếng có phần chậm lại. Với sức tiêu thụ này, đặt cọc mua ngay 1.400 lượng vàng miếng thì không biết bao giờ mới bán hết. Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều tuân thủ nguyên tắc mua bao nhiêu bán bấy nhiêu. Việc trữ một khối lượng vàng giá cao trong bối cảnh giá vàng thế giới đã tăng 20% trong hai tháng qua là rủi ro không nhỏ.
E ngại thứ hai là mức giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng. Giá trên ngang bằng mức niêm yết mua vào của các cơ sở kinh doanh vàng trong tuần trước. Đứng ở góc độ kinh doanh, việc chọn giá khởi điểm đấu thầu bằng giá mua vào của các doanh nghiệp là hợp lý từ phía cơ quan quản lý. Nhà nước, xét cho cùng, đang đứng ở vị trí trung gian, phải nhập vàng từ nước ngoài (trừ nguồn vàng miếng dự trữ có sẵn từ nhiều năm trước) để bán lại trong nước. Việc nhập khẩu vàng cũng hàm chứa rủi ro bởi giá thế giới biến động liên tục. Hơn nữa, Nhà nước nhập khẩu vàng với khối lượng hàng tấn trở lên, phải trả các loại phí, trong đó có phí bảo hiểm.
Thông thường giá niêm yết vàng miếng mua vào của doanh nghiệp thấp hơn bán ra 2 triệu đồng/lượng. Mức giá mua-bán cân chỉnh từng giờ, thậm chí 20-30 phút/lần nhằm đảm bảo có lãi trong mọi trường hợp. Đấu thầu là mua khối lượng nhiều, cần nguồn vốn tiền đồng để nắm giữ đến khi tiêu thụ xong, không phải đơn vị nào cũng đủ tiềm lực tài chính để thực hiện. Ngay các ngân hàng tiềm lực tài chính mạnh cũng không dám mua nhiều. Chi phí vốn để giữ vàng ở thời điểm lãi suất tiền đồng qua đêm liên ngân hàng đang cao là một bất lợi.
Một yếu tố khác ảnh hưởng quyết định đến giá vàng miếng và cả vàng nhẫn là tỷ giá. Lần đầu tiên trong năm nay, ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước công bố bán ngoại tệ ở mức 25.450 đồng/USD nhằm can thiệp thị trường, đã không có ngân hàng nào đăng ký mua. Lý do là trạng thái ngoại hối của các ngân hàng đều dương. Trạng thái ngoại hối, hiểu đơn giản là các ngân hàng được nắm giữ 20% số vốn tự có bằng ngoại tệ.
Đại diện một ngân hàng cho biết trong tháng qua trạng thái ngoại hối của nhiều ngân hàng cân bằng ở mức 20% vốn tự có vào cuối ngày theo quy định. Theo ông, cung cầu ngoại tệ khá ổn và một số thời điểm nguồn cung còn lấn lướt cầu. Tuy nhiên giá niêm yết mua bán ngoại tệ của các ngân hàng lên xuống là dịch chuyển theo tỷ giá điều hành trung tâm của Nhà nước cộng trừ biên độ 5% theo luật định.
Tỷ giá tiền đồng-USD từ đầu năm nay đến nay tăng 4,9% theo hướng đồng Việt Nam mất giá phần lớn là do sự chủ động điều tiết của Ngân hàng Nhà nước. Sự trượt giá của Việt Nam đồng đặc biệt nhanh trong tháng 4 trùng hợp với thời điểm lạm phát quý 1/2024 "lì lợm" ở Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chủ trương chưa giảm lãi suất đồng bạc xanh ngay. Sức ép lên đồng tiền Việt Nam khi Fed chủ trương giữ lãi suất cao là rất lớn và sự trượt giá của đồng nội tệ là không tránh khỏi.
Tôi phỏng vấn một số ngân hàng, quỹ đầu tư liệu mức trượt giá gần 5% của tiền đồng hiện đã đủ? Đa số nhận xét mức điều chỉnh tỷ giá 5% là chấp nhận được, đủ để các nhà xuất khẩu có nguồn cung ngoại tệ sẵn sàng bán ngay cho ngân hàng thương mại. Trước khi đồng Việt Nam trượt giá như hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã găm ngoại tệ trong tài khoản và sử dụng ngoại tệ như tài sản đảm bảo để vay tiền đồng với lãi suất thấp. Tiếp tục găm giữ ngoại tệ khi đã có mức "lợi nhuận" 5% xem ra không khả thi.
Trạng thái ngoại hối dương của các ngân hàng cũng phản ánh nhiều điều. Nó cho thấy cung ngoại tệ không hề thiếu. Quý 1/2024 Việt Nam xuất siêu 8,08 tỷ USD. Kiều hối riêng TP HCM nhận gần 2,9 t ỷ USD. Năm 2023 TP HCM nhận 9,46 tỷ USD Mỹ kiều hối, cao nhất cả nước. Năm nay Ngân hàng Thế giới dự báo lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 14,4 tỷ USD.
Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý 1 năm nay cũng khả quan với con số hơn 4,6 tỷ USD theo Tổng cục Thống kê. Thu ngoại tệ từ du lịch tốt hơn khi lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam tăng đáng kể so với cùng kỳ.
Về phía cầu ngoại tệ, ẩn số là việc chuyển tiền ra nước ngoài cho nhu cầu du lịch, du học, chữa bệnh, định cư. Tuy nhiên, ẩn số này, dù gia tăng vẫn có thể được bù đắp bằng kiều hối chuyển về. Nói cách khác, nguồn kiều hối đủ sức cân bằng nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài nói trên qua kênh ngân hàng.
Trong điều kiện mặt bằng lãi suất tiền đồng duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, biến động của tỷ giá thời gian vừa qua hàm chứa sự đầu cơ ở một mức độ nhất định. Giờ đây khi Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp ở mức giá sát trần và niêm yết giá mua ngoại tệ ở mức giá sát sàn, điều gì sẽ xảy ra?
Các ngân hàng không thể nâng trạng thái ngoại hối vượt quá 20% vốn tự có và trạng thái ngoại hối đang đầy, thì khi doanh nghiệp có nhu cầu bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại, các ngân hàng sẽ bán ngoại tệ mua được cho Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng thương mại mua vào ngoại tệ giá nào đây khi giá mua của Nhà nước niêm yết ở 23.400 đồng/USD? Các ngân hàng sẽ buộc phải cân đối cung cầu mua bán ngoại tệ hàng ngày giữa các khách hàng (nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu) để niêm yết một mức giá thích hợp, đảm bảo bộ phận ngân quỹ, kinh doanh ngoại hối không bị lỗ.
Áp lực tâm lý lên tỷ giá đang được hóa giải bằng chính cung cầu thực và từ đây sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa sang giá vàng. Sự đầu cơ bắt nguồn từ kỳ vọng đồng Việt Nam còn trượt giá và giá vàng còn tăng, nhưng chỉ cần Nhà nước phát tín hiệu và trực tiếp can thiệp ở vùng giá mang tính chốt chặn phía trên, kỳ vọng ấy có nguy cơ hạ nhiệt.
Có một sự thật ở Việt Nam: người ta chỉ đổ xô đi mua vàng và giữ ngoại tệ khi giá và tỷ giá tăng, còn khi giá đứng yên, nhu cầu sẽ lắng dần.
Hải Lý