Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos đã dọa rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong nhiều tháng qua như một động thái trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây về giao tranh ở Ukraine, nhưng động thái của họ chưa bao giờ rõ ràng và dứt khoát như tuyên bố mới nhất của người đứng đầu tổ chức Yuri Borisov.
Trong cuộc họp hôm 26/7, CEO Roscosmos đã thông báo sẽ không tiếp tục tham gia ISS sau năm 2024 để tập trung xây dựng tiền đồn quỹ đạo của riêng mình. Quyết định này có thể là một đòn giáng mạnh vào sự hợp tác quốc tế trong không gian.
Thách thức khi Nga rời Trạm Vũ trụ Quốc tế
Chính quyền Biden đã lên kế hoạch hỗ trợ các hoạt động của ISS ít nhất đến năm 2030, vì vậy họ sẽ phải tìm cách vận hành trạm mà không có sự trợ giúp của đối tác lâu năm. Điều đó không hẳn là không thể, nhưng sẽ rất khó.
ISS ban đầu được thiết kế để Roscosmos và NASA kiểm soát các khía cạnh quan trọng trong hoạt động của trạm vũ trụ. Ví dụ, Nga đang kiểm soát hệ thống điều khiển lực đẩy của trạm, cung cấp lực đẩy tăng cường thường xuyên để giữ cho ISS thẳng đứng và không rơi ra khỏi quỹ đạo. Nếu không có sự trợ giúp của Nga, hệ thống đó cần phải bàn giao cho NASA hoặc được thay thế.
ISS không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngay lập tức vì ông Borisov cho biết Nga sẽ tôn trọng các nghĩa vụ hiện tại của mình đối với trạm. Tuy nhiên, quyết định của Nga vẫn gây lo ngại và là một lời cảnh báo rõ ràng rằng, tương lai không gian có thể sẽ không còn "mang tính quốc tế" như trước đây.
Chính trị ảnh hưởng đến ISS như thế nào?
Nga và Mỹ bắt đầu xây dựng trạm vũ trụ vào cuối những năm 1990 và điều này được coi là một kỳ tích quan trọng của sự hợp tác quốc tế, đặc biệt là sau Chiến tranh Lạnh và cuộc chạy đua không gian kéo dài hàng thập kỷ. Kể từ đó, ISS đã tập hợp các phi hành gia từ khắp nơi trên thế giới để tiến hành nghiên cứu mà cuối cùng có thể giúp đưa con người tiến xa hơn nữa vào không gian vũ trụ.
Chương trình ISS với sự tham gia của 15 quốc gia được coi là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại và chính trị "không được phép" ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác này. Tuy nhiên, mọi chuyện ngày càng không diễn ra như vậy.
Trở lại năm 2014, Nga đã sử dụng ISS nhằm gây áp lực để Mỹ phải công nhận việc sáp nhập Crimea, một bán đảo mà Ukraine vẫn coi là một phần lãnh thổ của mình. Để buộc Mỹ phải chính thức công nhận các tuyên bố chủ quyền của Nga trong khu vực, Roscosmos đề xuất họ sẽ chuyển cơ sở đào tạo phi hành gia đến Crimea.
Đây là một mối đe dọa vào thời điểm đó: các phi hành gia NASA cần được đào tạo để bay bằng tên lửa Soyuz của Nga, lúc này là cách duy nhất để lên ISS. Xung đột diễn ra chỉ vài tháng sau khi Mỹ thiết lập các biện pháp trừng phạt Nga vì hành vi chiếm đóng Crimea.
Đáp lại, Roscosmos ngụ ý họ sẽ ngừng chở bất kỳ phi hành gia NASA nào khi Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan này vào thời điểm đó, viết trên Twitter rằng Mỹ sẽ "đưa các phi hành gia của họ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế bằng tấm bạt lò xo".
"Có cảm giác rằng ISS đang bắt đầu trở thành một con bài mặc cả trong quan hệ giữa Mỹ và Nga", Giáo sư Wendy Whitman Cobb tại Trường Nghiên cứu Hàng không Tiên tiến của Không quân Mỹ cho biết trong một nhận định vào tháng 2.
Tin tốt cho Mỹ là NASA không còn quá phụ thuộc vào Roscosmos kể từ khi SpaceX có thể chở các phi hành gia và hàng hóa của họ lên ISS vào năm 2020. Tin không tốt là Nga đã nhiều lần ra hiệu rằng họ không cam kết với tương lai lâu dài của ISS.
Nga đã đe dọa rút khỏi quan hệ đối tác không gian vào năm 2021, một lần nữa do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn vào tháng 11 khi Nga cho nổ một vệ tinh do thám hết hạn sử dụng bằng một tên lửa chống vệ tinh và tạo ra hàng nghìn mảnh vỡ không gian, trong đó có một số mảnh mà giới chức Mỹ lo ngại có thể làm hỏng ISS. Thử nghiệm này không chỉ nhấn mạnh rằng Nga có khả năng bắn hạ một vệ tinh từ Trái Đất mà còn gây nguy hiểm cho các phi hành gia ISS của chính họ, những người buộc phải trú ẩn trong khoang khẩn cấp vài giờ sau cuộc thử nghiệm.
Mối quan hệ đối tác giữa Nga và phương Tây tiếp tục đi xuống vào cuối tháng 2 khi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) - đại diện cho 22 quốc gia châu Âu - đã ra tuyên bố công nhận các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Đáp lại, Roscosmos trì hoãn việc phóng một số vệ tinh tại sân bay vũ trụ của châu Âu ở Guiana thuộc Pháp, nơi sử dụng tên lửa Soyuz của Nga.
Ngoài ra, cơ quan vũ trụ Nga cũng gặp khó khăn với Anh về kế hoạch phóng lên quỹ đạo 36 vệ tinh Internet cho công ty OneWeb. Vương quốc Anh đã tuyên bố các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và cho biết họ không sẵn sàng đàm phán. OneWeb sau đó đã thông báo thuê SpaceX để phóng các vệ tinh của mình.
Vào tháng 3/2022, cơ quan vũ trụ Nga tiếp tục tuyên bố dừng hợp tác với Đức về các thí nghiệm khoa học trên ISS, đồng thời ngừng bán động cơ tên lửa cho Mỹ, thứ mà trước đây NASA phụ thuộc vào.
Bất chấp xung đột, NASA vẫn cố gắng duy trì "vẻ ngoài bình thường" với Roscosmos trên ISS, nhưng đằng sau hậu trường, Mỹ đang chạy đua để tìm cách vận hành ISS mà không có Nga trong tương lai. Công ty Northrop Grumman đã tình nguyện chế tạo một hệ thống đẩy có thể thay thế hệ thống đẩy của Nga và Elon Musk cũng gợi ý trên Twitter rằng SpaceX có thể giúp đỡ NASA.
Một lộ trình mới trong không gian
Một số kế hoạch ngắn hạn của Nga trong không gian không bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột với Ukraine, ít nhất là đến thời điểm hiện tại. Ví dụ, phi hành gia Mark Vande Hei vẫn quay trở lại Trái Đất trên phương tiện Soyuz của Nga vào cuối tháng 3, cùng với hai nhà du hành vũ trụ. Roscosmos cũng có kế hoạch đưa phi hành gia Anna Kikina lên ISS bằng tàu Crew Dragon của SpaceX vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các khía cạnh khác trong chương trình nghị sự không gian của Nga đang báo hiệu cách tiếp cận mới của Roscosmos.
Cơ quan Vũ trụ Nga có kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ quốc gia của riêng mình, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Hiện tại, họ đã bắt đầu phát triển module nòng cốt đầu tiên của trạm.
Trong vài năm qua, Roscosmos và Cơ quan Không gian có người lái Trung Quốc (CMSA) đã lên các kế hoạch trên phạm vi rộng để làm việc cùng nhau trong không gian, bao gồm nỗ lực xây dựng một căn cứ trên Mặt Trăng. Nga cũng có thể hỗ trợ CMSA hoàn thành trạm vũ trụ của riêng họ.
Không có gì ngạc nhiên khi CMSA sẽ hợp tác với Roscosmos thay vì NASA. Mỹ đã loại trừ phần lớn Trung Quốc khỏi công việc của họ trong không gian: Luật của Mỹ ban hành năm 2011 cấm NASA hợp tác với cơ quan vũ trụ của Trung Quốc và không có phi hành gia nào từ Trung Quốc từng lên ISS. Lệnh cấm này là một lời nhắc nhở rằng Trạm Vũ trụ Quốc tế chưa bao giờ thực sự mang tính "quốc tế" như tên gọi của nó và cũng là động lực để CMSA tự xây dựng một chương trình không gian phức tạp.
Mặc dù cơ hội có vẻ nhỏ dần theo từng ngày, luôn có khả năng Roscosmos quay lại và hòa giải với NASA. Xét cho cùng, Liên Xô (cũ) và Mỹ đã cố gắng làm việc cùng nhau trong không gian suốt Chiến tranh Lạnh, ngay cả khi hai nước cố gắng vượt mặt nhau, theo Teasel Muir-Harmony, người phụ trách bộ sưu tập Apollo tại Bảo tàng Không gian Quốc gia Smithsonian.
"Luôn có sự kết hợp giữa cạnh tranh và hợp tác trong không gian giữa Mỹ và Nga. Nó sáp lại và tàn lụi. Đó là một điều hấp dẫn", Teasel chia sẻ.
Đoàn Dương (Theo Vox/Space)