Tuyên bố được Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov, đồng thời là CEO của Roscosmos, đưa ra hôm 26/7 trong bối cảnh căng thẳng cao độ giữa Moskva và phương Tây về giao tranh ở Ukraina. Trong cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin, Borisov nói rằng Nga sẽ hoàn thành nghĩa vụ của mình với các đối tác trước khi rời đi.
"Quyết định rời ISS sau năm 2024 đã được đưa ra. Đến thời điểm đó chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng một trạm quỹ đạo của riêng mình", CEO của Roscosmos cho biết.
NASA và các đối tác quốc tế khác hy vọng có thể duy trì hoạt động của Trạm Vũ trụ Quốc tế đến năm 2030. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ bất ngờ và lấy làm tiếc trước tuyên bố công khai của Nga.
"Với những công trình khoa học quan trọng được thực hiện trên ISS, sự hợp tác chuyên môn quý giá mà các cơ quan vũ trụ đã có trong nhiều năm qua và đặc biệt là thỏa thuận mới giữa chúng tôi về hợp tác bay không gian, đó là một quyết định đáng tiếc", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price chia sẻ.
NASA và Roscosmos đã đạt một thỏa thuận vào đầu tháng này để các phi hành gia Mỹ bay lên quỹ đạo bằng tên lửa của Nga, cũng như các phi hành gia Nga lên ISS bằng tên lửa SpaceX. Thỏa thuận đảm bảo rằng sẽ luôn có ít nhất một người Mỹ và một người Nga trên trạm vũ trụ để giữ cho hai bên của tiền đồn hoạt động trơn tru.
Khi được hỏi về mối quan hệ vũ trụ Mỹ-Nga, Price cho biết cô hoàn toàn không muốn nó kết thúc. "Họ là những đối tác tuyệt vời như tất cả các đối tác khác của NASA, và chúng tôi muốn tiếp tục cùng nhau với tư cách là quan hệ đối tác để tiếp tục vận hành trạm vũ trụ trong suốt thập kỷ", Price nhấn mạnh.
Cho đến nay, thám hiểm không gian là một trong số ít lĩnh vực mà mối quan hệ hợp tác giữa Nga với Mỹ và các đồng minh của họ không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng về Ukraine.
Trạm vũ trụ do các cơ quan vũ trụ của Nga, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Canada cùng điều hành. Module đầu tiên được đưa lên quỹ đạo vào năm 1998 và tiền đồn đã liên tục có người sinh sống trong gần 22 năm qua. Nó được sử dụng để tiến hành nghiên cứu khoa học trong điều kiện không trọng lực và thử nghiệm thiết bị cho các chuyến du hành vũ trụ trong tương lai.
Đoàn Dương (Theo AFP/NPR)