Ngày 23/12, ông Zamir Kabulov, một quan chức ngoại giao kiêm đặc sứ của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Afghanistan tiết lộ rằng Nga đang chia sẻ thông tin với phiến quân Hồi giáo Taliban trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS), vì hai bên "có chung lợi ích" trong mục tiêu tiêu diệt tổ chức khủng bố này.
Bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, xác nhận thông tin trên và khẳng định rằng Nga đang tiếp xúc với Taliban "ở mức độ hạn chế, không đi lại, không gặp gỡ, chỉ có chia sẻ thông tin", đồng thời tuyên bố Nga không có bất cứ sự hỗ trợ vật chất nào đối với Taliban. Tuy nhiên bà không nói rõ hai bên đang chia sẻ cho nhau thông tin gì, theo Washington Post.
Theo một số chuyên gia phân tích, mối quan hệ liên kết dù là hạn chế giữa Nga và Taliban là một động thái bất ngờ, thậm chí là khó hiểu, của Moscow trong cuộc chiến chống khủng bố. Taliban vẫn đang nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của Nga, và Moscow đã nhiều lần phản đối, coi nhóm phiến quân này như một lực lượng vũ trang chuyên gieo rắc bất ổn và kinh hoàng. Tương tự như IS, Taliban nổi tiếng với những vụ hành hình dã man và áp đặt luật Hồi giáo hà khắc tại những khu vực nhóm này kiểm soát.
Tuy nhiên, Alexander Ignatenko, chủ tịch Viện Tôn giáo và Chính trị ở Moscow, cho rằng việc liên kết với Taliban là một động thái "nhìn xa trông rộng" của Nga nhằm đề phòng những tình huống xấu nhất, đặc biệt là khi IS đang bành trướng mạnh mẽ ở Afghanistan và có thể tung ra đòn "thọc sườn" đe dọa trực tiếp đến lợi ích của nước Nga.
Đến nay, giữa Nga và phương Tây vẫn tồn tại những khác biệt trong việc đánh giá khả năng IS đang bành trướng về địa lý và một thảm họa khủng bố đang dần hình thành ở Afghanistan với sự hiện diện ngày càng lớn của tổ chức khủng bố này, theo trang RBTH của Nga.
Tuần trước, NATO đã bác bỏ nhận định cho rằng IS đang ngày càng lớn mạnh ở Afghanistan và có thể "nuốt chửng" Taliban, cực đoan hóa các bộ tộc địa phương, để rồi biến cả đất nước này thành một tỉnh trong "đế chế Hồi giáo" của chúng.
Nga lại coi những diễn biến gần đây ở Afghanistan là dấu hiệu báo động về sự bành trướng của IS. Theo các nguồn tin tình báo, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov tiết lộ rằng IS đã "hiện diện ở 25 trên 34 tỉnh của Afghanistan". Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc ước tính rằng IS đang có 1.200-1.600 tay súng ở 4 quận phía nam Jalalabad, trong đó có những chiến binh tinh nhuệ.
Nhiều nhà phân tích phương Tây cũng không đồng tình với đánh giá của NATO về mối đe dọa IS tại Afghanistan. "Nếu phương Tây coi IS chỉ là tập hợp những kẻ sát nhân cuồng loạn, rõ ràng họ đang đánh giá quá thấp chúng", tướng Mỹ về hưu Stanley McChrystal tuyên bố.
"Sự bành trướng của IS trong khu vực từ lâu đã trở nên rõ ràng, khi chúng bỏ ra rất nhiều tiền mua đứt các đơn vị chiến đấu của al-Qaeda và các tổ chức cực đoan khác. Chẳng hạn như tổ chức Boko Haram ở Nigeria, dù không có liên hệ gì với IS, nhưng sau đó đã nhận tiền của tổ chức này để thề trung thành và trở thành 'tỉnh Tây Phi' của IS", ông Ignatenko nói.
Theo chuyên gia này, nếu xu hướng này không bị ngăn chặn, Taliban sớm muộn cũng sẽ bị IS thôn tính, khi ngày càng nhiều tay súng của tổ chức này đào ngũ để đầu quân cho IS, nơi chúng được chi trả nhiều tiền hơn. Nga sẽ phải đứng trước hai lựa chọn: Hoặc bắt tay với Taliban ở một mức độ nhất định, hoặc chứng kiến tổ chức này chiếm lĩnh Trung Á, nơi được coi là khu vực nhạy cảm đối với Nga, như một phần của tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới IS.
Một khi IS thôn tính được Taliban và kiểm soát Trung Á, các lợi ích của Nga sẽ bị đe dọa trực tiếp, ông Ignatenko cho biết. "Khi khống chế được Afghanistan, IS sẽ tiến lên phía bắc, nơi giáp với cộng đồng Hồi giáo ở Tân Cương, Trung Quốc, thành lập căn cứ địa ngăn cản dự án xây dựng hệ thống Năng lượng Siberia cung cấp khí đốt từ Nga đến Trung Quốc".
Khi đã "chắc chân" ở Afghanistan, IS có thể vươn vòi bạch tuộc sang hai quốc gia láng giềng Tajikistan và Turkmenistan, mở toang cánh cửa cho những kẻ Hồi giáo cực đoan xâm nhập vào Nga và thực hiện các đòn tấn công từ bên sườn, điều mà Moscow đang rất lo ngại kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria.
Từ tháng 9, Nga đã củng cố căn cứ quân sự của Sư đoàn Súng trường Cơ giới 201 đóng quân tại Tajikistan, điều các trực thăng vũ trang hạng nặng đến trấn giữ tại khu vực cách biên giới Afghanistan chỉ khoảng 5 km.
Lựa chọn duy nhất
Theo giới phân tích, nhiều khả năng các lãnh đạo chính trị và quân sự ở Moscow đã nhìn ra viễn cảnh này và có những biện pháp đề phòng. Để có thể ngăn chặn được sự mở rộng của IS ở Afghanistan, Nga có thể trông cậy vào hai lực lượng, đó là quân đội chính phủ Afghanistan, hoặc Taliban.
Đặc phái viên Kabulov tiết lộ rằng Nga đang "cân nhắc" các yêu cầu hỗ trợ về vũ khí từ chính phủ Afghanistan, và sẽ cung cấp các loại vũ khí, trang bị cho quân đội nước này trên cơ sở "thương mại" để chống lại các tổ chức Hồi giáo cực đoan, trong đó có IS.
Ông Ignatenko chỉ ra rằng việc trông cậy vào quân đội chính phủ Afghanistan để chống IS có thể không mang lại hiệu quả, bởi một trong những trọng tâm của quân đội nước này vẫn là chống lại Taliban chứ không phải IS, và nhiều khả năng số vũ khí mà Nga cung cấp sẽ được sử dụng trong các chiến dịch truy quét Taliban.
"Suốt 12 năm qua, 140.000 quân của NATO đã hỗ trợ quân đội chính phủ Afghanistan loại trừ các mối đe dọa an ninh trong nước, trong đó có Taliban. Một khi NATO vẫn coi Afghanistan là khu vực lợi ích chiến lược của mình, Nga sẽ không can thiệp vào", chuyên gia này nhận định.
Bởi vậy, Nga chỉ có thể dựa vào Taliban, tổ chức được đánh giá là "có khả năng nhất" trong cuộc chiến chống IS ở Afghanistan hiện nay. Sau 14 năm bị liên quân NATO và quân đội Afghanistan truy quét, Taliban vẫn không bị đánh bại. Hồi tháng 9, nhóm này còn tấn công, chiếm giữ thành phố Kunduz suốt 15 ngày, đẩy lui nhiều đợt phản công của quân đội chính phủ và liên quân.
Gần đây, sự tồn vong của Taliban đã bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự hiện diện của IS, khiến tổ chức này phải tuyên bố sẽ huy động một "lực lượng đặc nhiệm" gồm các chiến binh tinh nhuệ nhất chống lại IS. Mullah Akhtar Mansour, thủ lĩnh mới được bầu của Taliban ở Afghanistan, được cho là đã bị một nhóm phiến quân IS hoạt động ở nước này ám sát hồi tháng trước.
Khi cùng chống một kẻ thù chung là IS, việc liên kết và chia sẻ thông tin với Taliban là lựa chọn khả dĩ nhất của Nga hiện nay để bảo vệ các lợi ích của mình ở Trung Á, theo các chuyên gia phân tích.
"Nếu Taliban tan vỡ dưới sức ép của IS và tập hợp lại thành một lực lượng bành trướng khác tấn công vào các nước láng giềng, nó sẽ trở thành một vấn đề toàn cầu, không chỉ đe dọa lợi ích của Nga mà còn của cả các nước phương Tây. Nguy cơ này đòi hỏi Nga và các đồng minh phải có hành động quyết liệt ngay lập tức", chuyên gia Ignatenko nhấn mạnh.
Trí Dũng