Mọi người hãy chịu khó tìm hiểu trên internet những bài viết, video giải thích về các ô vuông, tròn, cách đánh vần mới, cả một số trường hợp cụ thể như kiểu “tam giác CKQ” hay sự khác nhau khi đọc các từ “Quốc” và “Cuốc”, “Qua” và “Cua”... Tất cả đều rõ ràng, bằng văn nói, chỉ vì các bạn học tiếng Việt theo lối cũ nên không đủ khả năng tự phân tích âm thôi.
Học đánh vần theo phương pháp mới là cách đi của những nhà ngôn ngữ học khi tiếp cận với một thứ ngôn ngữ mới. Ví dụ nếu bạn là Robinson một mình nơi hoang đảo, cùng với một tộc người với thứ tiếng lạ. Sau một thời gian ở đây và hiểu được ngôn ngữ của tộc người này, Robinson có thể đơn giản dùng phiên âm quốc tế, thông qua các kí tự latinh để tạo ra chữ viết cho họ.
Với cách học cũ, liệu các bạn có thể làm như vậy? Có, nhưng trừ khi bạn rất thông minh. Còn xét theo xác suất thì tỉ lệ làm được việc này của những người học theo phương pháp mới sẽ cao hơn rất nhiều, vì họ hiểu được bản chất của ngôn ngữ.
Việc học theo phương pháp này có khó hơn cách cũ hay không, nếu chỉ phân xử theo lý thuyết suông thì chẳng ai phục, chỉ là thực tế chứng minh các học sinh theo phương pháp này vẫn dễ dàng biết đọc - viết, với tốc độ không thua gì cách cũ. Tôi cũng chưa thấy em nào học theo cách này kêu ca nó “nặng” mà chỉ toàn thấy lời người lớn nói vậy thôi. Vậy tại sao lại không để trẻ đi theo con đường tốt hơn này?
Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục kích thích sự tìm tòi để học sinh tự đưa ra phân tích và tìm đáp án cho riêng mình. Nó lý giải vì sao chúng thích học, chủ động học chứ không cần ai ép buộc bằng thước kẻ hay roi vọt.
Thế hệ chúng ta đã mất bao lâu để đưa ra luận điểm: Cô Tấm cũng ác hiểm lắm chứ đâu hiền lành? Hay đến thời con cháu chúng ta gần đây mới manh nha vài cháu dám nói lên chính kiến: Cô Tấm sẵn sàng đổ nước sôi lên người em mình, nấu mắm rồi lừa mẹ kế ăn, cách làm này có lẽ phải trong phim kinh dị mới thấy được.
Những phân tích, phản biện như trên sẽ thường xuyên xuất hiện hơn với những bài học mang tính “mở” như: “Quả Bứa”, “Bé xách đỡ mẹ”... Học sinh ngồi quay mặt vào nhau để đưa ra đánh giá cho các nhân vật “khôn lỏi”, “tham lam”, “lém lỉnh”, “ngoan”... chứ không phải là cùng nhìn lên bảng để nghe thầy chỉ thế này là đúng, thế kia là sai.
Sản phẩm con người ở đây cho ra sẽ muôn màu muôn vẻ, vì chúng có những cái tôi riêng, lý luận riêng, nhưng phần khung nhận thức "Đúng – Sai" để phản biện thì chúng vẫn có. Hãy yên tâm vì cách giáo dục này sẽ không cho ra đời những con người xấu, bởi chúng biết thế nào là xấu.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.