Trung Đông đang rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất trong những năm gần đây sau khi Arab Saudi và 8 nước khác cắt quan hệ với Qatar, cáo buộc họ ủng hộ chủ nghĩa cực đoan.
Các quốc gia vùng Vịnh từ lâu đã cáo buộc Qatar về việc hỗ trợ các nhóm cực đoan, đặc biệt là Anh em Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và al-Qaeda. Qatar đã bác bỏ điều này.
Giáo sư James Piscatori, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Arab và Hồi giáo tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết những cáo buộc này thực ra không có gì mới và nói rằng giáo sĩ Hồi giáo của Qatar đã luôn tài trợ cho các nhóm như Al-Nusra Front, Hamas và Anh em Hồi giáo, theo news.com.au.
"Nhưng tất nhiên, giáo sĩ ở các nước vùng Vịnh khác cũng tài trợ cho các nhóm Hồi giáo", ông nói.
Người Arab Saudi bị cáo buộc là bên tài trợ nhiều nhất cho khủng bố Hồi giáo quốc tế, hỗ trợ các nhóm như Taliban, al-Qaeda, Lashkar-e-Taiba và Al-Nusra Front.
Trong một tài liệu mật năm 2009 được WikiLeaks công bố, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng Arab Saudi là nguồn tài trợ lớn nhất cho các nhóm khủng bố.
Tuy nhiên, giáo sư Piscatori cho rằng quyết định cắt quan hệ với Qatar của các nước Arab liên quan nhiều hơn đến sự bực tức trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Qatar.
Arab Saudi phật lòng
Tuy Qatar là một quốc gia nhỏ, họ rất giàu có và là nhà sản xuất khí thiên nhiên hoá lỏng lớn nhất thế giới. Họ cũng là nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.
"Đó là một quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có. Họ có rất nhiều tiền và sẽ đăng cai World Cup", ông Piscatori nói.
Hãng tin nhiều ảnh hưởng Al Jazeera cũng có trụ sở tại Qatar. Đây là một lợi thế khác của Qatar khiến các quốc gia vùng Vịnh lo lắng. Qatar cũng khiến các nước láng giềng bực tức vì "một mình một kiểu" trong chính sách đối ngoại.
"Họ mềm mỏng với Iran trong khi các nước khác không như vậy, nhưng họ cũng là nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự lớn nhất trong khu vực".
Trong những năm gần đây, Arab Saudi đã trở nên mạnh mẽ về chính sách đối ngoại, có thể thấy điều đó trong việc nước này can dự quân sự ở Yemen. "Họ phô diễn sức mạnh. Họ khó chịu vì Qatar không cư xử giống các nước khác trong khu vực", ông nói.
Ông nói rằng quyết định cắt quan hệ với Qatar của Arab Saudi và các quốc gia khác nhiều khả năng được thúc đẩy bởi mong muốn tái khẳng định quyền dẫn dắt khu vực của Arab Saudi và khiến cho Qatar phải phục tùng.
"Họ đã không chịu hợp tác với các nước khác", ông nói. "Arab Saudi dự kiến là một cường quốc trong GCC (Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh) và các nước khác sẽ theo sau sự dẫn dắt của Arab Saudi", ông nói thêm. "Nhưng Qatar không làm điều đó".
"Vì vậy, họ chặt đi đôi cánh của Qatar, nhưng đây là một cách rất nặng tay để làm việc đó", ông đánh giá.
Động lực từ Trump
Hành động cắt đứt quan hệ có thể được thúc đẩy bởi quan hệ cải thiện của vùng Vịnh với Mỹ kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Dưới thời Barack Obama, quan hệ giữa hai bên ít nồng ấm hơn do quan điểm trái ngược xoay quanh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và mối quan ngại của chính phủ Mỹ đối với số dân thường thiệt mạng trong hoạt động quân sự do Arab Saudi dẫn đầu tại Yemen.
Tuy nhiên, ông Trump đã tái khởi động quan hệ với Arab Saudi, không gây sức ép cho họ về vấn đề nhân quyền và chào đón nồng ấm Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Thái tử Mohammed bin Salman trong chuyến thăm Washington hồi đầu năm nay.
Ông Trump tham gia điệu nhảy với kiếm ở Arab Saudi
Ông Trump tháng trước đến thăm Arab Saudi trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên và đạt được thỏa thuận trị giá 147 tỷ USD để bán thiết bị quân sự cho nước này. "Đây là một sự thúc đẩy tài chính khổng lồ và cả hai nước giờ đây đã gắn kết với nhau, thậm chí còn chặt chẽ hơn trước", ông Piscatori nhận xét.
Trong chuyến thăm, ông Trump còn kêu gọi thế giới Arab và Hồi giáo đoàn kết chống lại mối đe dọa khủng bố và ca ngợi Arab Saudi là lãnh đạo của khu vực. Quan điểm chống Iran của ông Trump cũng làm hài lòng các quốc gia vùng Vịnh.
Giáo sư Piscatori cho rằng những cải thiện này khiến Arab Saudi và các nước khác không ngần ngại cắt quan hệ với Qatar. "Tất cả những điều này khiến họ tự tin hành động", ông đánh giá.
Ông Trump muốn cộng đồng Hồi giáo chia sẻ trách nhiệm chống khủng bố
Quan hệ với Iran
Arab Saudi cũng có thể bực tức về mối quan hệ hữu nghị giữa Qatar và Iran vì Arab Saudi coi Iran là đối thủ.
"Iran có dân số và là nước mạnh trong khu vực", giáo sư Piscatori nhận xét. Ông nói rằng Arab Saudi đã phật ý về sức mạnh địa chính trị của Iran và trong quá khứ, hai nước cũng có xung đột.
Tuy Iran nằm trong khu vực vịnh Persia, họ không phải là một quốc gia Arab giống như nhiều nước láng giềng. Phần lớn dân nước này là người Hồi giáo dòng Shiite, trong khi Arab Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác có tầng lớp lãnh đạo là người theo dòng Sunni.
"Nói chung, tại các quốc gia Arab ở vùng Vịnh, người Shitte là cộng đồng thiểu số và họ không hòa nhập hoàn toàn. Arab Saudi cho rằng Iran thao túng quần thể người Shiite ở các quốc gia khác để chống chính quyền sở tại, can thiệp vào chính trị của láng giềng".
Một diễn biến đáng chú ý là Iran đã bày tỏ mong muốn cung cấp thực phẩm cho Qatar sau khi Arab Saudi đóng cửa biên giới.
Giáo sư Piscatori cho hay 40% thực phẩm của Qatar được cung cấp qua Arab Saudi. Việc Arab Saudi đóng cửa biên giới ngay lập tức gây nguy hiểm cho nguồn cung lương thực của đất nước. Vì vậy, động thái của Iran là một "bước đi ngoại giao thông minh".
"Một lần nữa Iran lại lùi lại phía sau xem người Arab tan đàn xẻ nghé", ông nói. "Rắc rối trong vụ việc này là mọi thứ không trắng đen rõ ràng".
Phương Vũ