Trả lời:
Một nguyên nhân khiến việc giảm cân bằng thay đổi lối sống thường không bền vững và dễ tăng trở lại, đó là yếu tố Metabolic Adaptation - sự thích nghi của cơ thể. Theo đó, việc ăn quá ít trong thời gian dài khiến cơ thể rơi vào trạng thái sử dụng ít năng lượng, nhằm thích nghi với số đồ ăn. Khi tốc độ trao đổi chất giảm, lượng calo tiêu thụ cần giảm để duy trì cân nặng mới, nhưng nhiều người không điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với sự thay đổi này, khiến cân nặng tăng trở lại.
Thực tế, sau khi đạt được mục tiêu giảm cân, động lực giảm dần khiến nhiều người có xu hướng quay lại lối sống cũ. Chưa kể, môi trường sống nhiều cám dỗ đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiểm soát bản thân, điều mà nhiều người khó duy trì lâu dài. Trong khi việc duy trì cân nặng mới thường yêu cầu hỗ trợ liên tục từ chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ và phải có kế hoạch dài hạn.
Ngoài ra, nhiều người áp dụng một chế độ ăn kiêng quá khắc nghiệt, cực đoan hoặc không phù hợp với lối sống. Khi chế độ ăn uống này kết thúc, họ dễ dàng quay lại với việc ăn uống không kiểm soát. Nếu người giảm cân không đạt được mục tiêu nhanh chóng hoặc cảm thấy quá khó khăn, họ có thể mất tự tin và từ bỏ nỗ lực. Các yếu tố tâm lý như stress, căng thẳng có thể dẫn tới ăn uống không kiểm soát.
Một số người có cơ địa dễ tăng cân trở lại, cơ thể tích mỡ nhanh hơn sau một giai đoạn giảm cân. Hormone như ghrelin (hormone gây cảm giác đói) có thể tăng lên sau khi giảm cân, làm tăng cảm giác thèm ăn và khó kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ.
Giảm cân bằng thay đổi lối sống có thể không bền vững nếu không có kế hoạch dài hạn, sự hỗ trợ liên tục, khả năng thích ứng với các thay đổi trong cuộc sống. Để đạt hiệu quả, bạn cần xây dựng một lối sống lành mạnh và thực tế, kết hợp với việc theo dõi thường xuyên và điều chỉnh khi cần thiết.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn
Phó viện trưởng Viện phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108