Đây là nguyên nhân tử vong nhiều thứ 4 tại Mỹ và thứ 3 tính trên toàn cầu. Cứ khoảng 10 người trên 40 tuổi, có một người gặp phải tình trạng này. Nó gây tắc nghẽn luồng khí và các vấn đề về hô hấp làm hạn chế các hoạt động hàng ngày của mọi người. Các triệu chứng phổ biến nhất của COPD là khó thở, ho mạn tính và có đờm .
Trước đây, hút thuốc và ô nhiễm không khí được cho là hai nguyên nhân chính hàng đầu dẫn đến tắc nghẽn phổi mạn tính. Nhưng khi tỷ lệ hút thuốc và ô nhiễm không khí giảm, số bệnh nhân vẫn gia tăng.
Nghiên cứu mới do chính phủ Mỹ tài trợ, đăng trên tạp chí The Journal of the American Medical Association ngày 9/6, phân tích hình chụp CT 6.500 phổi của người lớn tuổi, bao gồm cả người hút thuốc và người không hút thuốc, bị và không bị tắc nghẽn phổi mạn tính.
"Kết quả cho thấy những người có đường thở nhỏ hơn có nguy cơ tắc nghẽn phổi mạn tính cao hơn nhiều so với những người có đường thở bình thường hoặc lớn hơn", Benjamin Smith, Trung tâm y tế Irving thuộc Đại học Columbia, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Nhóm nghiên cứu cũng xem xét những người đã hút thuốc trong nhiều thập kỷ nhưng không bao giờ phát triển tình trạng này và thấy rằng họ có kích thước đường thở lớn hơn nhiều so với kích thước phổi.
Không khí chúng ta hít vào sẽ đi qua khí quản vào các đường dẫn khí nhỏ hơn gọi là phế quản và tiểu phế quản. Khi cơ thể phát triển, những đường dẫn khí này phát triển tương ứng với kích thước của phổi. Nhưng ở một số người, chúng trở nên nhỏ hơn hoặc lớn hơn gây ra chứng khó thở.
Các bác sĩ nhận thấy thuốc giãn phế quản, một loại thuốc hít giúp thư giãn các cơ trong phổi và mở rộng đường thở phát huy tác dụng ở các bệnh nhân bị tắc nghẽn phổi mạn tính. Và nghiên cứu này giải thích cho điều đó.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong dân số 2019 là 4,2%, trong số những người bị bệnh có 37,5% người trưởng thành được ghi nhận là có các triệu chứng nghiêm trọng.
Lê Cầm (Theo SCMP)