11 tháng sau ca ghép tế bào gốc, ông Trường vừa tái khám tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả cho thấy tình trạng sức khỏe của ông cải thiện rõ rệt, đặc biệt là khả năng gắng sức.
"Tôi đã đi bộ được quãng đường dài hơn, leo được cầu thang với tầng cao hơn mà không bị khó thở chút nào", ông Trường nói. Một năm nay, ông không xuất hiện đợt khó thở cấp nào liên quan đến bội nhiễm và tự kiểm soát hơi thở theo hướng dẫn của bác sĩ, không phải vào viện điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ông Trường là một trong những bệnh nhân được ghép tế bào gốc tự thân từ mô mỡ vào tháng 11/2018. Trước khi ghép, bệnh nhân được đánh giá tình trạng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở mức GOLD D, tức khó thở nặng. Leo cầu thang hoặc đi bộ 100-200 m là ông bị khó thở. Trong một năm, bệnh nhân xuất hiện rất nhiều đợt cấp, phải nằm viện để điều trị. Chức năng hô hấp của bệnh nhân dưới 50%, tức thông khí tắc nghẽn ở mức độ nặng.
Phó giáo sư Chu Thị Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tế bào gốc là những tế bào chưa biệt hóa, có khả năng biệt hóa để trở thành các tế bào khác với chức năng riêng biệt mới. Tế bào gốc trưởng thành (adult stem cell) thu nhận từ tủy xương, mô mỡ... có thể biệt hóa thành nhiều kiểu tế bào khác như xương, mỡ, sụn, cơ, gan, thận, tim mạch, tế bào tiết insulin, thần kinh, tế bào khí quản... Đồng thời, tế bào gốc tự thân có tính an toàn cao. Hiện nay tế bào gốc trưởng thành đang được nghiên cứu ứng dụng điều trị rất nhiều bệnh lý.
Phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý hô hấp có thể dự phòng và điều trị. Bệnh đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn. Phổi tắc nghẽn mạn tính đứng thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong toàn cầu. Tại Việt Nam, hơn 4% dân số trên 40 tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chủ yếu ở nam giới. Nhiều người bệnh phải thở máy.
Theo bác sĩ Hạnh, nghiên cứu điều trị tế bào gốc cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam là hướng mới với nhiều triển vọng. Năm 2017, Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu thực hiện đề tài Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt. Đến nay đã có 40 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này, sức khỏe đều cải thiện rõ rệt.