Năm 1996, cừu Dolly gây xôn xao khắp thế giới khi trở thành động vật có vú đầu tiên được nhân bản thành công từ tế bào trưởng thành. Nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ tạo đà cho thời kỳ hoàng kim của công nghệ nhân bản, thậm chí dự đoán việc nhân bản người sẽ xảy ra chỉ trong vòng vài năm. Một số cho rằng nhân bản người có thể hữu ích phần nào trong việc loại bỏ các bệnh di truyền, dị tật bẩm sinh (dù nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học Pháp năm 1999 cho thấy nhân bản có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh).
Nhân bản là một khái niệm rộng vì nó có thể dùng để mô tả nhiều quy trình và phương pháp tiếp cận, nhưng mục đích luôn là tạo ra các bản sao giống hệt về gene của một thực thể sinh học, theo Viện Nghiên cứu Bộ gene Người Quốc gia Mỹ (NHGRI).
Theo NHGRI, mọi nỗ lực nhân bản người đều có khả năng cao sẽ sử dụng kỹ thuật "nhân bản sinh sản" - phương pháp sử dụng tế bào soma trưởng thành, có thể là tế bào da. ADN chiết xuất từ tế bào này sẽ được đưa vào trong tế bào trứng của một đối tượng hiến tặng đã bị loại bỏ nhân chứa ADN của chính nó. Trứng sẽ bắt đầu phát triển trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của một con cái trưởng thành.
Đến nay, các nhà khoa học đã nhân bản nhiều động vật có vú như gia súc, dê, thỏ và mèo. Tuy nhiên, gần 30 năm sau thành công của cừu Dolly, con người vẫn chưa lọt vào danh sách này.
Trước hết, nhân bản người gây ra nhiều lo ngại liên quan đến đạo đức. Việc nhân bản vô tính động vật có vú trong lịch sử cũng có tỷ lệ tử vong rất cao và dẫn đến những bất thường trong quá trình phát triển.
Một vấn đề quan trọng khác là thay vì tạo ra một bản sao carbon của người gốc, nhân bản sẽ tạo ra một cá nhân với những suy nghĩ và quan điểm riêng. "Tất cả chúng ta đều biết về bản sao - những cặp song sinh giống hệt nhau là các bản sao của nhau. Do đó, chúng ta cũng biết các bản sao không phải cùng một người", Hank Greely, giáo sư tại Đại học Stanford, giải thích.
Bản sao sẽ chỉ có cấu tạo gene giống người gốc mà không giống những khía cạnh khác như tính cách, đạo đức hay khiếu hài hước. Những thứ này là duy nhất với cả hai bên. Con người không đơn giản là một sản phẩm của ADN. Người ta có thể tái tạo vật liệu gene nhưng không thể tái tạo chính xác môi trường sống, môi trường giáo dục, hoặc khiến hai người có cùng trải nghiệm sống.
Nếu bỏ qua vấn đề đạo đức, một lợi ích theo lý thuyết của nhân bản người là tạo ra cá nhân giống hệt về gene cho mục đích nghiên cứu, Greely nhận định. Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc nhân bản người.
Greely cũng cho biết, một số lợi ích từ việc nhân bản người cũng trở nên không cần thiết do các tiến bộ khoa học ngày nay.
Shinya Yamanaka, nhà nghiên cứu Nhật Bản đoạt giải Nobel năm 2012, phát hiện tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC) vào năm 2006. Đây là những tế bào "trưởng thành" được lập trình lại để giống với các tế bào trong giai đoạn phát triển sớm. Yamanaka đã tìm ra cách đưa các tế bào chuột trưởng thành trở lại trạng thái giống như phôi thai chỉ bằng 4 yếu tố gene. Năm sau đó, Yamanaka cùng nhà sinh vật học Mỹ James Thompson, làm được điều tương tự với tế bào người.
Khi các iPSC được tái lập trình về trạng thái đa năng giống phôi thai, chúng cho phép phát triển một nguồn không giới hạn của mọi loại tế bào người cần thiết cho mục đích điều trị. Do đó, thay vì sử dụng phôi, người ta có thể làm điều tương tự với các tế bào da. Sự phát triển trong công nghệ iPSC khiến việc sử dụng phôi nhân bản không còn cần thiết. Ngày nay, iPSC có thể dùng trong nghiên cứu mô hình bệnh, thuốc điều trị và y học tái tạo.
Ngoài ra, Greely cho rằng nhân bản người có thể không còn là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học hấp dẫn nữa. Điều này cũng giải thích cho việc lĩnh vực này rất ít phát triển trong những năm gần đây.
Greely chỉ ra, chỉnh sửa bộ gene dòng mầm của người hiện là chủ đề thú vị hơn với công chúng. Ví dụ, có rất nhiều người tò mò về khái niệm tạo ra "siêu trẻ sơ sinh".
Chỉnh sửa dòng mầm (germline editing) là một hoặc một chuỗi các quá trình tạo ra những thay đổi vĩnh viễn với bộ gene của một cá nhân. Những thay đổi này có thể trở thành di truyền khi được thực hiện một cách hiệu quả, nghĩa là chúng sẽ truyền từ cha mẹ sang con cái. Việc chỉnh sửa như vậy đang gây tranh cãi và vẫn chưa được hiểu đầy đủ.
George Church, nhà di truyền học kiêm kỹ sư phân tử tại Đại học Harvard, ủng hộ ý kiến của Greely về việc chỉnh sửa dòng mầm có thể thu hút nhiều sự quan tâm của giới khoa học hơn trong tương lai, đặc biệt là khi so sánh với nhân bản "kiểu truyền thống".
"Chỉnh sửa dòng mầm dựa trên nhân bản thường chính xác hơn, có thể dùng cho nhiều gene hơn và phân phối đến mọi tế bào hiệu quả hơn so với chỉnh sửa bộ gene soma", ông nói. Tuy nhiên, Church cho rằng cần thận trọng vì giới khoa học vẫn chưa hoàn toàn nắm rõ việc chỉnh sửa như vậy.
Thu Thảo (Theo Live Science)