Một trong những nguyên tắc pháp lý có tính chỉ đạo của nền tư pháp Mỹ là bị cáo được suy đoán vô tội cho tới khi bị chứng minh là phạm tội. Nhưng trái lại, một khi bị bồi thẩm đoàn kết tội, trách nhiệm chứng minh để lật ngược bản án thuộc về bị cáo. Điều này thường khó khăn tới mức đôi khi chứng cứ gỡ tội mới dù áp đảo nhưng vẫn không đủ để bị cáo được thả tự do.
Một số người cho rằng nếu phát hiện chứng cứ ADN mới, kể cả khi bị cáo đã bị kết tội, mẫu ADN sẽ tự động được đưa đi giám định để đảm bảo xét xử đúng người. Trên thực tế, khi muốn giám định mẫu ADN mới, người đã bị kết án phải yêu cầu công tố viên cho phép.
Nếu công tố viên không đồng ý, bị cáo phải đệ đơn ra tòa yêu cầu giám định ADN. Khi ấy, đơn yêu cầu phải thỏa mãn các điều kiện trong luật pháp của tiểu bang, ví dụ phải trả lời được câu hỏi "liệu chứng cứ ADN có lợi có khả năng hợp lý giúp bị cáo không bị kết án trong phiên tòa ban đầu hay không?".
Vì đã bị kết án, bị cáo không còn quyền được tòa án chỉ định luật sư bào chữa. Để chứng minh vô tội, người bị kết án oan phải trả phí để thuê luật sư giúp đệ đơn hoặc xin trợ giúp từ các tổ chức.
Kể cả khi ADN được đưa đi giám định và cho kết quả có lợi, người vô tội thật sự cũng chưa chắc sẽ được lập tức gỡ tội. Theo Vaness Potkin, giám đốc phụ trách kháng cáo hậu bản án của Dự án Vô tội Wisconsin (tổ chức chuyên giúp đỡ người bị kết án oan), quá trình minh oan bao gồm hai bước tốn thời gian. Đầu tiên, bản án phải được thẩm phán hủy bỏ nếu xuất hiện chứng cứ ADN hoặc các chứng cứ khác có lợi cho bị cáo. Khi ấy, bị cáo sẽ quay lại giai đoạn mới bị khởi tố và được coi như chưa từng bị đưa ra xét xử. Để hoàn toàn được minh oan, người bị kết án oan tiếp theo phải được công tố viên hoặc thẩm phán hủy bỏ mọi cáo trạng.
Trong một số trường hợp, bị cáo vẫn bị công tố viên đưa ra xét xử nhưng được bồi thẩm đoàn tuyên trắng án trong phiên tái thẩm, theo Potkin. Đây là trường hợp của Anthony Wright, người bị đưa ra xét xử lần hai sau khi xét nghiệm ADN trong năm 2013 loại trừ Wright trong vụ hiếp dâm, giết người vào năm 1991. Sau 11 ngày hầu tòa vào năm 2016, Wright được tuyên trắng án với mọi cáo trạng.
Khoảng thời gian ba năm mà Wright phải chờ đợi từ khi có kết quả giám định ADN cho tới khi tổ chức phiên tái thẩm có vẻ rất dài nhưng trường hợp này không đại diện cho số đông. Một vụ án oan thông thường sẽ mất trung bình 7 năm để được giải quyết, theo Vaness Potkin.
Một số người bị kết án oan không thể chờ đợi tới phiên tái thẩm, như trường hợp của Elvis Brooks. Năm 1977, Brooks bị kết án chung thân về tội Cướp có vũ trang và Giết người tại thành phố New Orleans, bang Louisiana dựa chủ yếu vào lời khai của ba người lạ mặt trong quán bar. Trên thực tế, vụ án còn có chứng cứ khác mà công tố viên không chuyển cho luật sư bào chữa. Thủ phạm đã để lại dấu vân tay trên hai lon bia tại hiện trường.
Hay tin, tháng 1/2019, luật sư đệ đơn yêu cầu hủy án vì công tố viên không tiết lộ chứng cứ có lợi cho bị cáo. Cơ quan công tố phản đối nhưng cho Brooks hai lựa chọn: thỏa thuận nhận tội nhẹ hơn và được trả tự do ngay lập tức, hoặc ngồi tù chờ phiên tái thẩm có thể kéo dài nhiều năm. Brooks, khi ấy 62 tuổi, chọn thỏa thuận nhận tội.
Dạng thỏa thuận nhận tội như trên sẽ giúp bị cáo được tự do nhưng đồng thời cũng mất quyền được đòi bồi thường án oan. Ngoài ra, một số thỏa thuận còn giúp công tố viên tránh bị kỷ luật, theo The Washington Post.
Quốc Đạt (Theo How Stuff Works, Washington Post)