Một tối tháng 7/1984, nữ sinh viên Jennifer Thompson bị kẻ lạ mặt cầm dao đe dọa và hiếp dâm tại căn hộ riêng thuộc thành phố Burlington, bang North Carolina. Thompson nói chí trả thù đã thôi thúc cô bình tĩnh ghi nhớ mọi chi tiết trên khuôn mặt kẻ tấn công để đảm bảo hắn sẽ "sống mục ruỗng trong tù".
May mắn sống sót, Thompson giúp cảnh sát phác họa chân dung hung thủ. Vài ngày sau, Thompson "chọn" Ronald Cotton (22 tuổi) qua hai lần nhận dạng qua ảnh và nhận dạng trực tiếp.
Trước tòa, năm 1985, Thompson trở thành nhân chứng mấu chốt, bên cạnh các chứng cứ gián tiếp như đèn pin và giày tìm thấy tại nhà Cotton giống của hung thủ. Không có chứng cứ pháp y, nhưng lời khai và sự tự tin của Thompson đã thuyết phục được tòa án kết án Cotton phạm tội Hiếp dâm và Đột nhập, hình phạt 54 năm tù. Thompson cuối cùng cũng thực hiện được lời hứa với bản thân.
10 năm sau, khi được yêu cầu cung cấp mẫu máu để xét nghiệm ADN, Thompson đồng ý vì cho rằng chứng cứ này sẽ càng thêm củng cố tội trạng của Cotton. Tuy nhiên, cô gái ngạc nhiên khi biết kết quả xét nghiệm cho thấy Cotton không phải chủ nhân của mẫu tinh trùng lạ. Hung thủ thật sự được xác định là Bobby Poole – người mà Thompson từng khẳng định trước tòa "chắc chắn chưa bao giờ gặp mặt".
Cotton không phải người đầu tiên bị kết án oan ở Mỹ vì nhân chứng nhận dạng sai. Theo Dự án Vô tội – tổ chức phi lợi nhuận trợ giúp người bị oan sai tại Mỹ, 69% số người được minh oan bằng ADN (252 vụ) từng bị kết án oan một phần do nhận dạng sai. Ngoài ra, việc nhân chứng nhận dạng sai cũng góp phần trong ít nhất 450 vụ án oan được giải quyết không thông qua ADN, theo Danh sách Người được giải oan quốc gia.
Alexis Agathocleous, luật sư làm việc tại dự án, cho biết trí nhớ của con người rất mong manh do não bộ có thể ghi nhớ không đầy đủ hoặc sai sót. Ký ức cũng có thể giảm sút hoặc bị tác động làm cho sai lệch, khiến mỗi lần hồi tưởng ký ức lại thay đổi.
Agathocleous lấy ví dụ về bức ảnh chiếc váy từng khiến người dùng internet tranh luận kịch liệt. Có người nhìn thấy chiếc váy sọc đen và xanh dương, cũng có người nhìn thấy váy màu vàng kim và trắng. Điều này cho thấy não bộ mỗi người xử lý hình ảnh theo cách khác nhau tùy vào độ chiếu sáng nền và sự diễn giải của bộ não.
Ký ức cũng "xuống cấp" khi được lưu trữ trong não bộ. Nghiên cứu từ thế kỷ 19 tới nay cho thấy con người có thể mau chóng quên đi những điều vừa nhìn hoặc nghe thấy. Ký ức cũng không cải thiện theo thời gian mà chỉ mất đi nếu không được trau dồi thường xuyên.
Ngoài ra, ký ức cũng rất dễ bị thay đổi trong lúc lưu trữ và hồi tưởng. Cách đặt câu hỏi, cũng như thông tin mà nhân chứng nhận được từ điều tra viên, báo chí, hoặc nhân chứng khác sau khi sự việc đã xảy ra, đều có thể tác động tới ký ức của họ.
Ví dụ, khi nhận dạng, cảnh sát có thể đặt nghi can cùng nhóm với những người không có đặc điểm tương tự... Những kỹ thuật mang tính gợi ý này đều có thể khiến nghi can nổi bật lên trong mắt nhân chứng. Ngoài ra, cảnh sát còn có thể vô tình nói những câu mang tính gợi ý như "hãy chọn ra hung thủ", từ đó khiến nhân chứng giả định rằng có nghi can ở trong nhóm nên bị áp lực chọn người có ngoại hình giống nhất.
Trong vụ án của Ronald Cotton, luật sư bào chữa đã phát hiện cô Thompson phải mất vài phút mới có thể chọn ra Cotton trong hai lần nhận dạng. Nhưng Thompson rất có thể đã càng vững tin vào lựa chọn của mình sau khi điều tra viên nói lời nhận xét có tính dẫn dắt. Chính sự tự tin sai lầm ấy thuyết phục được bồi thẩm đoàn kết tội Ronald Cotton.
Tuy vậy, rủi ro trong quá trình nhận dạng nghi can không phải không có cách khắc phục. Năm 2014, Học viện Khoa học Quốc gia (Mỹ) đã ra báo cáo đề xuất cải cách quy trình nhận dạng, trong đó khuyến nghị cảnh sát viên tổ chức buổi nhận dạng phải là người không biết danh tính nghi can để tránh vô tình để lộ cho nhân chứng qua lời nói hoặc ngôn ngữ cơ thể. Cảnh sát cũng nên để nhân chứng ghi lại mức độ chắc chắn vào lựa chọn của mình để giúp bồi thẩm đoàn đánh giá độ tin cậy của kết quả nhận dạng.
Hiện, 24 tiểu bang tại Mỹ đã thực thi các khuyến cáo trên dưới nhiều hình thức như ban hành pháp luật, quyết định tòa án, hoặc tự nguyện tuân thủ, theo Innocence Project. Gần nhất, bang Louisiana ban hành Luật Nhân chứng nhận dạng vào năm 2018.
Quốc Đạt (Theo Washington Post, New York Times, Innocence Project)