-
14h45
Chuyển đổi số sẽ thay đổi toàn bộ mô hình quản trị xã hội
Tham gia giải trình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn các đại biểu đã đóng góp ý kiến, trong đó có đại biểu Tạ Minh Tâm qua câu hỏi nhưng là nhận định về chậm trễ rà soát quy định để thực hiện tốt hơn việc khai thác các cơ sở dữ liệu.
Theo ông Đam, công cuộc chuyển đổi số không chỉ là dùng máy tính, công nghệ thông tin mà cần tiếp cận thay đổi toàn bộ tư duy, phương pháp, mô hình, quy trình quản lý nhà nước, quản trị xã hội, doanh nghiệp và từng người dân.
Từ thực tiễn khi triển khai đề án liên quan chuyển đổi số có vướng mắc, ông Đam nói điều này dễ hiểu và diễn ra ở nhiều nước, bởi khi làm văn bản quy phạm luật chưa lường hết sự thay đổi của công nghệ. Ví dụ, trong 25 dịch vụ công đưa ra có quy định xử phạt nguội người vi phạm giao thông bằng camera. Nhưng có vướng quy định là muốn phạt nguội thì người bị phạt phải đến xác nhận, thế thì còn làm trực tuyến làm gì nữa.
"Từ đó dẫn đến câu hỏi là có dám làm trái quy định của luật, dù thực tiễn thấy đúng rồi hay không?", ông Đam đặt vấn đề và nói không nhất thiết phải sửa Luật Xử phạt vi phạm hành chính mà có thể sửa ở Luật Giao dịch điện tử.
Hơn 10 năm qua, Việt Nam đã có tiến bộ trong chuyển đổi số nhưng xếp hạng trên thế giới chưa cao (thường trên 80), "nói vậy để chúng ta nhìn nhận rõ mình đang ở đâu".
Cổng dịch vụ công quốc gia đã đưa vào vận hành, làm được những bước quan trọng. Ông Đam nói từng báo cáo Quốc hội là có 120.000 thủ tục hành chính, hiện đã đưa lên cổng dịch vụ công được 6.500 dịch vụ, trong đó 4.200 dịch vụ được cung cấp trực tuyến.
Tại Việt Nam, chiến lược chuyển đổi số căn cứ vào 5 tiêu chí, trong đó nhấn mạnh động lực cải cách xây dựng Chính phủ minh bạch, làm sao qua làm dữ liệu thì có được mô hình sản xuất kinh doanh mới. Cơ sở dữ liệu quốc gia gồm ba nhóm quan trọng nhất là liên quan người dân, doanh nghiệp, tài nguyên và có rất nhiều. Như ngành giáo dục đã có cơ sở dữ liệu về giáo viên nhưng chưa có về trường lớp. Vì vậy, vấn đề này cần kiên trì đầu tư nhiều năm.
Các chuyên gia cho rằng một người dân trong cuộc đời từ lúc khai sinh biết sức khỏe của mình, lúc lớn lên biết rõ các vấn đề liên quan đến mình thì có 200 trường dữ liệu, trong đó công an có 10 trường. Nên đây là cơ sở dữ liệu của Chính phủ, cần sự tham gia của nhiều đơn vị.
Kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia là vấn đề không đơn giản. Ông Đam thẳng thắn nói rằng nhiều bộ ngành chưa có nhiều dữ liệu. Thậm chí cơ sở dữ liệu của các đơn vị trong ngành cũng manh mún, rời rạc, chia làm nhiều bộ phận. Trong khi địa phương thì đợi bộ ngành hướng dẫn mới làm để tránh lãng phí. Nhưng bộ ngành lại không có kinh phí làm dữ liệu lớn cho toàn ngành. Vì vậy, cần thực hiện theo tinh thần là vừa làm vừa điều chỉnh chứ không đợi Trung ương xong thì địa phương mới làm.
Hơn nữa, theo Phó thủ tướng, các văn bản quy phạm pháp luật đang vướng. Tới đây, Chính phủ sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội trên tinh thần trong lúc chưa sửa luật thì thí điểm với các vấn đề đã rõ rồi. "Chuyển đổi số là cơ hội đổi mới, cần quyết tâm rất lớn của người đứng đầu, giải quyết các bài toán rất cụ thể. Có những việc tưởng chừng không làm nổi nhưng nếu sâu sát thì vẫn làm được", ông nói.
Với người dân, chuyển đổi số là cơ hội rất lớn và là văn hóa, bởi nếu làm tốt chuyển đổi số lĩnh vực di sản thì người dân có thể thăm trực tuyến bảo tàng.
Về mạng xã hội, ông Đam nói phải tăng cường thông tin chính thống. "Cách chữa thông tin xấu độc nhanh nhất là đưa ra thông tin chính thống nhanh nhất", ông nói.
-
14h20
Nghiên cứu nền tảng học trực tuyến cả đời
Sáng nay, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết có ý kiến cho rằng mỗi người dân Việt Nam cần có một tài khoản số để học tập suốt đời trên nền tảng học liệu mở và miễn phí. Cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích học tập liên tục nhằm nâng cao kiến thức về mọi mặt cho người dân, nhất là thanh thiếu niên có cơ hội học tập, hội nhập mạnh mẽ với thế giới, rút ngắn khoảng cách cho người dân vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có cơ hội hội nhập. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá ý tưởng này rất hay. Ông giả sử, nếu Nhà nước chi tiền cho mỗi người dân một triệu đồng, thì với số tiền này có thể xây dựng được một nền tảng siêu tuyệt vời để phục vụ người dân học tập cả đời.
"Sau khi tôi nghe ý tưởng này, trưa nay rà soát trên mạng thì một số nước đã thực hiện. Đây là ý tưởng rất đáng suy ngẫm", ông Hùng nói và cho biết Bộ sẽ nghiên cứu, sớm đề xuất Chính phủ xây dựng nền tảng trực tuyến phục vụ học tập cả đời tại Việt Nam.
-
14h15
Cơ sở dữ liệu đất đai chậm hoàn thành
Trả lời câu hỏi đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) đề cập đến cơ sở dữ liệu đất đai bị chậm, Bộ trưởng cho biết có nhiều khó khăn trong thu thập dữ liệu đất đai ở từng hộ gia đình. Hiện nay, có 30% số huyện đã hoàn thành số hóa bản đồ địa chính, dự kiến cuối năm, trên 20% số huyện hoàn thành 4 hạng mục của cơ sở dữ liệu về đất đai là có thể đưa vào sử dụng.
Bộ Thông tin Truyền thông có trách nhiệm đánh giá thông tin kỹ thuật; an toàn thông tin của hệ thống. Bộ cũng khuyến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường dùng nền tảng số Việt Nam để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Hai bộ cũng gặp gỡ thường xuyên để bàn bạc, tháo gỡ khó khăn. Bộ cũng thúc đẩy các doanh nghiệp số hỗ trợ 45 tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tốc độ nhờ đó cũng được đẩy nhanh. "Chúng tôi xin hứa thúc đẩy thật nhanh cơ sở dữ liệu này", ông Hùng nói.
-
14h10
Sẽ xử phạt các nhãn hàng thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết cử tri bức xúc với tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng trên nền tảng số. Hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục thường xuyên xuất hiện trên các thiết bị; một số nội dung, hình ảnh chưa được quản lý, cấp phép chặt chẽ. Bà đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm và giải pháp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận tình trạng quảng cáo xuất hiện không theo mong muốn xuất hiện rất phổ biến trên các nền tảng xuyên quốc gia như Facebook, YouTube. Đây là thuật toán lựa chọn đối tượng của nền tảng và rất khó để cơ quan quản lý phát hiện vì "quảng cáo người A nhìn thấy nhưng người B không nhìn thấy". Việc báo cáo cơ quan chức năng cũng khó khăn khi người dân không lưu lại được bằng chứng.
Ông đề nghị người dân khi nhìn thấy quảng cáo này hãy chụp ảnh màn hình để gửi đến cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý. Ông Hùng cũng thông tin, sau quá trình rà soát thời gian qua, Bộ đã yêu cầu gỡ khoảng 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên nền tảng YouTube. Bộ đang tiếp tục hoàn thiện thể chế để xử lý nội dung này.
Theo Bộ trưởng, thời gian gần đây có tình trạng một số nhãn hàng cắt ghép các bản tin của đài, báo, làm thành các đoạn quảng cáo thực phẩm chức năng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, Bộ sẽ tổng hợp hồ sơ các nhãn hàng sai phạm, gửi cho Bộ Công Thương, Bộ Y tế để phối hợp xử lý.
-
14h05
Vì sao kẻ xấu có thông tin công dân để gọi lừa đảo?
Đại biểu Trình Lam Sinh nêu vấn đề, thời gian gần đây nhiều người dân nhận được cuộc gọi thông báo mình vi phạm pháp luật, yêu cầu chuyển khoản nộp phạt, nếu không sẽ chuyển cơ quan điều tra khởi tố.
"Vì sao những kẻ xấu lại biết tên tuổi, số điện thoại, nơi làm việc, thậm chí cả chức danh, chức vụ của công dân. Có vẻ như bằng cách nào đó thông tin cá nhân của công dân đã bị lộ lọt và bị kẻ xấu khai thác", đại biểu nói, cho biết vấn đề này đang gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến và giải pháp khắc phục vấn đề này?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có hai nhóm nguyên nhân, trước tiên là một số tổ chức, doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân chưa đảm bảo an toàn, bị hacker tấn công lấy cắp dữ liệu. Theo báo cáo của Bộ Công an, có khoảng 1.300 GB bị lộ, lọt, tính ra hàng tỷ thông tin.
Bên cạnh đó, còn tình trạng người dân dễ dãi trong cung cấp thông tin, chưa có ý thức bảo vệ thông tin của mình. Hoặc doanh nghiệp quản lý lỏng lẻo nhân viên, để họ lấy cắp và bán ra nước ngoài.
Bộ trưởng Hùng cho hay Bộ đã ban hành Cẩm nang về an toàn thông tin, trong đó hướng dẫn cách thức để người dân bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng cơ sở dữ liệu lộ, lọt thông tin thông qua doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và hiện có 120 triệu thực thể thông tin bị lộ, lọt. Người dân có thể tra cứu để biết tài khoản, email mình có thể bị lộ hay không, nếu có thì thay đổi.
Giải pháp nữa là yêu cầu cơ quan nhà nước, doanh nghiệp khi tiếp cận người dân, khách hàng thì làm việc với nhà mạng để hiện tên chứ không hiện số điện thoại. Tức là phân biệt cuộc gọi của tổ chức có trách nhiệm với cuộc gọi lừa đảo.
Cuối cùng, Bộ sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng về cơ sở dữ liệu cá nhân, sau đó là các công ty bưu chính, mạng xã hội.
-
14h00
Trong phiên làm việc sáng nay, 32 đại biểu đã đặt câu hỏi, 13 người tranh luận, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời và làm rõ nhiều vấn đề. Đầu giờ chiều, Bộ trưởng có 40 phút tiếp tục trả lời chất vấn.
Viết Tuân - Sơn Hà - Hoài Thu