Đông Anh là một trong hai huyện của TP Hà Nội sẽ lên quận trong thời gian tới. Huyện phía Bắc của thành phố có diện tích 185 km2, dân số 437.000 và 24 xã, thị trấn.
Năm ngoái, thu ngân sách Nhà nước của huyện ước đạt 27.081 tỷ đồng, bằng 205% dự toán và gấp 3 lần so với 2023, theo báo cáo của UBND huyện hồi đầu năm nay. So với 2021, số thu của huyện ven Hà Nội này đã tăng gấp 7 lần. Trong đó, trên ba phần tư xã, thị trấn của huyện có mức thu vượt dự toán.
Nhờ vậy, Đông Anh lần đầu có số thu ngân sách cao nhất TP Hà Nội, hơn nhiều một số quận trung tâm, nội thành khác như Hoàn Kiếm (22.400 tỷ đồng), Cầu Giấy (19.490 tỷ đồng). Mức này cũng ngang với số thu năm ngoái của Hải Dương (khoảng 30.000 tỷ đồng) - một trong các địa phương thu ngân sách cao nhất miền Bắc - và cao hơn Ninh Bình (20.830 tỷ đồng), Thái Nguyên (20.230 tỷ), Bắc Giang (20.700 tỷ).
Thậm chí, số thu ngân sách 2024 của Đông Anh còn vượt một số thành phố thuộc trung ương gồm Cần Thơ (12.240 tỷ đồng), Đà Nẵng (26.845 tỷ đồng), Thừa Thiên Huế (12.900 tỷ đồng) và bằng nhiều tỉnh, thành có mức thu khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng cộng lại.
Nhìn vào cơ cấu nguồn thu của huyện Đông Anh, khoản từ tiền sử dụng đất chiếm tới hai phần ba, trên 18.200 tỷ đồng vào 2024. Trong đó, gần 12.000 tỷ đồng đến từ hai dự án gồm khu đô thị mới Vinhomes Cổ Loa (xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm) và Thành phố thông minh.
Khai thác hiệu quả nguồn thu từ đất là "điểm sáng" của Đông Anh trong vài năm trở lại đây. Hai năm qua, khoản thu từ tiền sử dụng đất lần lượt gấp 1,3 - 5 lần so với 2022.
"Đông Anh là địa bàn lớn, đang trong quá trình đô thị hóa, có nhiều dự án lớn nên giá đất tăng liên tục, giúp ngân sách địa phương hưởng lợi", GS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá.
Theo bảng giá đất mới áp dụng tới hết năm nay, giá đất một số vị trí đắc địa tại thị trấn Đông Anh đã đạt 46 triệu đồng một m2, gấp khoảng 5 lần so với bảng giá cũ. Hay giá đất tại đường Cao Lỗ (đoạn thuộc xã Uy Nỗ) cũng tăng từ 8 triệu lên 36 triệu đồng một m2.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường bất động sản PropertyGuru Việt Nam, từ 2023 giá đất tại huyện ngoại thành này đã tăng hơn 60%, dao động 25-250 triệu đồng mỗi m2, tùy khu vực, vị trí. Cụ thể, mặt bằng giá mới được thiết lập tại một số xã Mai Lâm, Đông Hội, Xuân Canh, Uy Nỗ, với mức rao bán 50-220 triệu đồng một m2.

Vị trí huyện Đông Anh, Hà Nội. Đồ họa: Đỗ Nam
Song để nhà điều hành có thể thu được từ đất, thì quy hoạch và giải phóng mặt bằng là điểm mấu chốt. Bởi việc này sẽ giúp các dự án được đẩy nhanh tiến độ, tăng hiệu quả đầu tư và quay lại đóng góp cho ngân sách, kinh tế địa phương.
Theo UBND huyện Đông Anh, họ xác định quy hoạch đô thị luôn đi trước, quy hoạch sử dụng đất xây dựng đồng bộ với các khu dân cư hiện hữu. Năm ngoái, huyện đã hoàn thành quy hoạch phân khu đô thị, đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư phát triển đô thị. "Việc này mở ra không gian và động lực phát triển mới cho địa phương", đại diện UBND huyện cho biết.
Cùng với đó, địa phương tập trung giải phóng mặt bằng ngay khi dự án bắt đầu triển khai. Khoảng 545 dự án trên địa bàn được giải phóng mặt bằng từ 2020, trong đó gần 76% hoàn thành. Việc này giúp các dự án lớn, trọng điểm được khơi thông, còn số gặp vướng mắc nhiều năm được tháo gỡ, xử lý.
Ngoài đất đai, thu từ thuế phí chiếm một phần ba trong tổng thu ngân sách của Đông Anh, gần 9.000 tỷ đồng năm ngoái. Mức này tăng gấp đôi so với 2023 (gần 4.800 tỷ đồng). Điều này đạt được trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế của huyện năm 2024 ước đạt 9,8% so với cùng kỳ 2023, cao hơn tốc độ trung bình của Thủ đô và cả nước.
Thu hút đầu tư của huyện Đông Anh thời gian qua có nhiều thuận lợi nhờ loạt dự án lớn mang tầm quốc gia, quốc tế triển khai như thành phố thông minh, khu đô thị mới Đông Anh, trung tâm triển lãm quốc gia... Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng khung được phát triển đồng bộ, là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.
"Các dự án lớn, có tính kết nối, lan tỏa, tạo ra không gian phát triển thuận lợi để doanh nghiệp, dân cư đến sinh sống làm việc", UBND huyện cho hay.
Ngoài ra, tình hình an ninh, chính trị, trật tự xây dựng, văn minh đô thị được đảm bảo giúp thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh sản xuất, kinh doanh. Các hỗ trợ về thủ tục hành chính, thông tin giúp doanh nghiệp thuận lợi sản xuất kinh doanh, mang lại nguồn thu ổn định từ thuế, phí, theo UBND huyện.
Năm nay, Đông Anh dự kiến sẽ lên quận với định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực Bắc sông Hồng. Địa phương này đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Hà Nội.
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, địa bàn huyện cách sân bay quốc tế Nội Bài 13 km - cửa ngõ thông thương quan trọng với quốc tế. Theo ông đây là lợi thế rất lớn cho Đông Anh phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội. Bởi, theo quy hoạch phải tới sau 2030 mới có sân bay quốc tế thứ 2 ở khu vực này.
Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2045, Hà Nội sẽ xây dựng mô hình thành phố trực thuộc tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai). Như vậy, Đông Anh là một trong những huyện được Hà Nội quy hoạch trở thành "thành phố trong thành phố". Mô hình này không còn xa lạ, bởi TP HCM đã thực hiện trước với TP Thủ Đức từ năm 2011.

Trung tâm huyện Đông Anh với các công trình như UBND, trung tâm chính trị, trung tâm văn hoá huyện. Ảnh: Ngọc Thành
Song theo ông Nghiêm, Đông Anh sẽ được hưởng lợi từ nhiều chính sách đặc thù quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm nay, trong đó nhiều cơ chế ưu việt hơn so với Thủ Đức.
Chẳng hạn, Luật Thủ đô (sửa đổi) có các chính sách ưu tiên phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế di sản, văn hóa. Đông Anh sở hữu vị thế đặc biệt với Hà Nội khi sở hữu hệ thống di tích quốc gia thành Cổ Loa. Từ đó, họ có thể phát triển các công viên lịch sử - sinh thái, thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, thương mại và dịch vụ.
Một số cơ chế về đất đai, ưu đãi đầu tư, tăng phân cấp, phân quyền... có thể áp dụng được ngay. Chẳng hạn, Hà Nội có những quy định đặc thù về sử dụng, chuyển đổi đất, hay chính sách ưu đãi lớn với dự án hạ tầng, công nghiệp công nghệ cao cũng giúp thu hút đầu tư mạnh mẽ với các đô thị vệ tinh như Đông Anh.
"Bài học như Thủ Đức cho thấy doanh nghiệp rất chú trọng tới vị thế, các định hướng phát triển, do vậy Đông Anh có sức hấp dẫn rất lớn", ông Nghiêm nói, cho rằng huyện cần phát huy hơn nữa giá trị của các di tích, lợi thế tiếp cận trong hội nhập (sân bay, đường quốc lộ gắn kết vùng).
Phát biểu thảo luận tổ ở Quốc hội ngày 13/2, Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn chứng câu chuyện huyện Đông Anh thu ngân sách một năm bằng nhiều tỉnh cộng lại. Ông nhấn mạnh các địa phương cần đổi mới mạnh mẽ trong cơ chế quản lý, điều hành để phát huy tiềm năng, lợi thế của mình. Đồng thời, hệ thống luật, quy định cần rà soát, sửa đổi để tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư.
"Có như vậy các địa phương mới có thể phát triển nhanh, bền vững, đóng góp vào phát triển chung của đất nước", Tổng Bí thư nói.
Từ mô hình của Đông Anh, theo GS Đào Ngọc Nghiêm, các địa phương phải quản lý được quỹ đất, đưa ra chính sách đặc thù để khai thác hiệu quả. Còn GS Đinh Trọng Thịnh lưu ý các địa phương cần tiết kiệm, giảm thất thoát để khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai. Họ cũng cần phát triển kinh tế - xã hội theo thế mạnh và tăng ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra năng suất cao, giá trị hàng hóa lớn hơn.