Phiên 9/4, giá vàng thế giới lập đỉnh phiên thứ 7 liên tiếp, khi chạm 2.365 USD một ounce. Từ đầu năm, kim loại quý này đã tăng 16,5%.
Giá tăng mạnh từ giữa tháng 2 và trong hai tháng mỗi ounce đã đắt thêm 350 USD. Giới phân tích cho rằng đợt tăng lần này có nhiều nguyên nhân. Đó là bất ổn địa chính trị, lực mua của các ngân hàng trung ương và kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất năm nay.
Kỳ vọng Fed hạ lãi suất vẫn là lực đẩy chính cho vàng, theo Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ). Giá vàng thường diễn biến ngược chiều với lãi suất, do kim loại quý không trả lãi cố định. Vì thế, khi lãi suất tăng, nhà đầu tư sẽ bị thu hút bởi các kênh đầu tư cho lợi nhuận cao hơn, như trái phiếu. Ngược lại, trong môi trường lãi suất thấp, vàng lại hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, việc Fed hạ lãi suất còn kéo giá USD xuống, khiến kim loại quý bớt đắt đỏ hơn với người mua ngoài Mỹ.
Công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch cho thấy thị trường hiện dự báo khả năng Fed giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25%) vào tháng 6 là 51%. Thực tế, kỳ vọng này đã hỗ trợ giá vàng từ cuối năm ngoái, khi lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt đáng kể và Fed giữ nguyên lãi suất hơn nửa năm qua.
Trong bài phát biểu hôm 3/4, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cuộc chiến chống lạm phát vẫn là "con đường gồ ghề". Dù vậy, cơ quan này cho rằng việc giảm lãi suất để tái cân bằng nền kinh tế vẫn diễn ra trong năm nay. Fed tháng trước dự báo năm nay hạ lãi suất 3 lần.
Chỉ số Chi tiêu Cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - tăng 2,5% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này cao hơn tháng 1. Tuy nhiên, PCE lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm) lại thấp hơn. Lạm phát chậm lại sẽ làm tăng khả năng Fed giảm lãi suất.
Lực mua của các ngân hàng trung ương cũng hỗ trợ giá vàng đi lên. Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cũng cho thấy trong 2 tháng đầu năm, các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục mua vàng. Trung Quốc có lượng mua ròng lớn nhất thế giới, với khoảng 22 tấn. Theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Ngân hàng Trung ương Nga cũng tăng tốc tích trữ vàng từ sau chiến sự tại Ukraine.
Số liệu chính thức công bố hôm 7/4 cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã tăng dự trữ vàng tháng thứ 17 liên tiếp. Số vàng PBOC nắm giữ tăng 0,2% trong tháng 3, lên 2.273 tấn - cao nhất từ tháng 11/2015.
WGC nhận định vàng là thành phần quan trọng trong khối dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, nhờ tính an toàn, thanh khoản cao và có thể sinh lời. Các cơ quan này cũng là nhóm nắm giữ vàng lớn của thế giới, chiếm 20% lượng được khai thác trên toàn cầu đến nay.
Các ngân hàng trung ương đã tăng mua vàng từ năm 2022. Trong báo cáo Nhu cầu xu hướng vàng năm 2023, WGC cho biết lượng mua từ các nhà băng vượt 1.000 tấn trong 2022-2023. Đây là năm thứ hai liên tiếp nhóm này mua trên 1.000 tấn vàng.
Trong khi đó, theo UBS, các ngân hàng trung ương có thể muốn giảm phụ thuộc vào đôla Mỹ và trú ẩn trong thời kỳ biến động chính trị. Báo cáo của JP Morgan hồi tháng 3 cũng đồng tình với quan điểm này. Họ cho rằng các quốc gia không phải là đồng minh của Mỹ dường như đang tích trữ vàng để đa dạng hóa tài sản, giảm USD và tổn thương từ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Theo nhiều nhà phân tích, nhu cầu của các ngân hàng trung ương là yếu tố chính giúp kim loại quý giữ được ngưỡng hỗ trợ 2.000 USD vài tháng qua. "Tôi cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng mua vàng. Việc dự trữ tiền tệ các nước khác ngày càng ít ý nghĩa, trong bối cảnh thế giới phân cực và đầy bất ổn", Ryan McIntyre - Giám đốc công ty quản lý tài sản Sprott, cho biết trong một bài phỏng vấn gần đây với Kitco News.
Việc PBOC tăng mua dự trữ cũng kéo nhu cầu của nhà đầu tư cá nhân nước này lên cao. Họ coi vàng là tài sản thay thế trong bối cảnh bất động sản và thị trường chứng khoán đi xuống vài năm qua, Capital Economics lý giải.
Yếu tố nữa khiến vàng leo thang là biến động địa chính trị. Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Syria cho biết máy bay quân sự Israel tối 1/4 tập kích khu vực đại sứ quán Iran tại đây, khiến một tướng thiệt mạng. Iran sau đó tuyên bố sẽ trả đũa Israel. Diễn biến này kéo giá vàng tiến sát 2.290 USD một ounce trong phiên 2/4.
Thực tế, giá vàng đã tăng mạnh trong hai tháng cuối năm ngoái, do căng thẳng tại Trung Đông bùng phát. Với các diễn biến mới gần đây, cuộc xung đột này đang có nguy cơ lan rộng trong khu vực.
Năm nay, cử tri tại hơn 60 quốc gia trên thế giới sẽ tham gia bầu cử, trong đó có Mỹ. Giới chuyên gia cho rằng những biến động kinh tế và chính trị này sẽ còn tiếp tục giúp thị trường vàng lập đỉnh.
Cuối tháng 2, các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Citi cho rằng vàng có thể lên 3.000 USD một ounce trong 1-1,5 năm tới. Song với các diễn biến gần đây, giới chuyên môn nhìn nhận kim loại quý có thể cán mốc này sớm hơn dự báo.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)