Sáng 23/4, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC sau 11 năm dừng hoạt động này. Chỉ có hai đơn vị là SJC và ACB quyết định bỏ phiếu trả giá và trúng thầu 3.400 lượng. 9 đơn vị còn lại để phiếu trắng, do đó phiên thầu bị ế 13.400 lượng vàng.
Mức giá tham chiếu được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trước đó một ngày để các đơn vị chuyển tiền đặt cọc là 80,7 triệu đồng. Sau một đêm, kim loại quý trên thị trường quốc tế bất ngờ có phiên giảm sâu nhất một năm. Các đơn vị tham gia đặt cọc kỳ vọng, giá sàn nhà điều hành đưa ra sẽ thấp hơn hoặc xấp xỉ mức tham chiếu 80,7 triệu.
Tuy nhiên, giá sàn dự thầu được công bố là 81,3 triệu, tăng 500.000 đồng so với tham chiếu. Mức giá này cao hơn 1 triệu đồng so với mỗi lượng SJC mua vào từ người dân và thấp hơn giá bán ra của các nhà vàng khoảng 1 triệu đồng ở cùng thời điểm.
Giá dự thầu Ngân hàng Nhà nước đưa ra khiến đại diện một đơn vị tham gia đặt cọc "đứng hình". Trong 30 phút, họ phải quyết định có trả giá hay không. Nhiều cuộc gọi về công ty được thực hiện, họ đánh giá tình thế rủi ro nếu bỏ phiếu trả giá thầu.
Ước tính, doanh nghiệp phải bỏ ra hơn 100 tỷ đồng để nhập ít nhất 1.400 lượng với giá sàn này. Việc mua vào với mức sát thị trường trong khi thế giới đi xuống, tức biên lợi nhuận thấp, khiến nhiều đơn vị lo ngại rơi vào thế bất lợi. Một ngân hàng tham gia dự thầu nhưng không bỏ phiếu mua cho hay "họ không cân đối được đầu ra".
Lãnh đạo TPBank cũng cho biết, không tham gia đấu thầu vàng lần này, bởi nhận thấy mức biên lợi nhuận không đủ hấp dẫn.
Thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cân đối đầu ra ở hai kênh, là bán trực tiếp cho người dân hoặc phân phối lại qua bán buôn cho các đơn vị khác. Tuy nhiên, lực cầu kim loại quý giai đoạn này, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đang chững lại.
Cựu giám đốc kinh doanh vàng của một doanh nghiệp lớn chia sẻ sau giai đoạn giá thế giới và trong nước tăng kéo dài, người dân có xu hướng quan sát thay vì nhảy vào thị trường. Bên cạnh đó, lực mua vàng miếng SJC cũng giảm bớt so với trước do có sự dịch chuyển sang nhẫn trơn 24K.
Nhìn chung, mức giá Ngân hàng Nhà nước đưa ra không hấp dẫn trong bối cảnh thị trường thế giới đi xuống, cộng với việc không cân đối được đầu ra, khiến nhiều đơn vị quyết định không trả giá thầu.
Lý do nữa khiến vàng đấu thầu ế là áp lực đóng trạng thái vàng, tức chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng. Đây cũng là điểm khác biệt lần thầu này so với giai đoạn hơn một thập kỷ trước. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng lần đầu trùng với thời hạn chót (30/6/2013) các nhà băng phải tất toán trạng thái vàng.
"Sức ép phải chấm dứt huy động, cho vay bằng vàng khiến các ngân hàng tích cực tham gia đấu thầu. Nhưng hiện động lực này không còn", Trưởng phòng tư vấn một công ty chứng khoán nói.
Bên cạnh đó, bài toán kinh doanh cũng là yếu tố được các doanh nghiệp cân nhắc tham gia, hay trả giá thầu hay không. Bởi, giá vàng thế giới gần đây biến động mạnh, trong khi khối lượng tối thiểu doanh nghiệp phải đặt mua tương đối lớn, 1.400 lượng. "Nếu tính tới bài toán lợi nhuận kinh doanh và rủi ro, phản ứng dè dặt của các thành viên tham gia cũng là điều dễ hiểu", người này nói thêm.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước gần như không có rủi ro nào khi đấu thầu vàng miếng. Nhà điều hành có đủ công cụ trong tay, từ độc quyền nhập khẩu tới cân đối trạng thái tài khoản vàng. Công cụ cuối cùng cơ quan quản lý có thể đưa ra là hủy thầu nếu không mua được đủ vàng từ đối tác quốc tế như giá dự kiến. "Do đó, Ngân hàng Nhà nước luôn nắm đằng chuôi", một chuyên gia chia sẻ. Năm 2013, cơ quan quản lý từng lãi hơn 6.000 tỷ đồng sau 57 phiên đấu thầu tổ chức từ ngày 28/3 đến 30/8.
Hôm qua là phiên gọi thầu thứ hai Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Trước đó một ngày, cơ quan quản lý buộc phải hủy thầu do không đủ số lượng doanh nghiệp tham gia, chuyển tiền cọc.
Song, giới kinh doanh cho rằng chưa thể đánh giá hiệu quả đấu thầu vàng qua vài phiên, mà cần quan sát dài hạn. "Ngân hàng Nhà nước nên rút kinh nghiệm khi đưa ra giá sàn, đặc biệt trong các phiên thế giới đảo chiều mạnh, để doanh nghiệp bớt e ngại rủi ro kinh doanh", đại diện của Hiệp hội kinh doanh vàng (VGTA) nhìn nhận.
Bên cạnh đó, nếu muốn giảm chênh lệch với giá quốc tế, nhà điều hành cần bán ra với giá sát hoặc thấp hơn thị trường trong nước. "Trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn đấu thầu như một đơn vị kinh doanh thay vì vai trò cơ quan quản lý can thiệp thị trường, thì mục tiêu kéo gần với thế giới còn xa vời", chuyên gia nói thêm.
Sau khi SJC và ACB trúng thầu hơn 3.400 lượng vàng với giá hơn 81,3 triệu, kim loại quý đảo chiều tăng cả triệu đồng một lượng dù thế giới đi ngang. Giá chốt cuối ngày ở mức 81 - 83,3 triệu đồng mỗi lượng chiều mua vào - bán ra. Mức này so với thế giới cao hơn khoảng 12,5 triệu đồng, trong khi chênh lệch đầu ngày khoảng 11 triệu.
Quỳnh Trang - Minh Tuấn