Dữ liệu từ Cointelegraph Markets Pro và TradingView cho thấy giá Bitcoin (BTC) sáng nay giảm gần 3,2% về khoảng 67.155 USD. Báo cáo của Glassnode công bố cuối tháng 5, lưu ý rằng hiệu suất hàng tuần, hàng tháng và hàng quý gần đây của Bitcoin bị giảm so với các chu kỳ trước.
Tiền số lớn nhất thế giới phải vật lộn để biến mức cao nhất mọi thời đại trước đó thành mức hỗ trợ cho đợt tăng giá mới. Trong lịch sử, BTC cần 4-8 tuần củng cố quanh mức cao nhất của chu kỳ trước để xuất hiện thêm sóng tăng giá đáng kể. Nhưng hiện tại, thị giá đồng tiền này đã bất động thời gian dài, mặc cho sự kiện halving (làm giảm một nửa phần thưởng cho các thợ đào) đã diễn ra hay dòng tiền đổ vào thị trường ngày càng cao.
Một trong những nguyên nhân chính, theo CoinTelegraph, là các "cá mập" đang tích lũy Bitcoin. Thống kê của CoinDesk đến cuối tháng 5, các quỹ ETF Bitcoin giao ngay được niêm yết tại Mỹ đang nắm giữ hơn 850.700 đơn vị. Đây là mức cao kỷ lục, trị giá hơn 58,2 tỷ USD.
Dòng vốn đổ vào các quỹ kể trên cho thấy nhà đầu tư tổ chức đang có xu hướng gom hàng, cần tạo lập một khoảng thời gian yên ắng cho thị trường để hỗ trợ xu hướng tích lũy của họ. Hai "cá mập" BlackRock và Fidelity - những nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới - đều cung cấp quỹ ETF Bitcoin giao ngay. Đây được xem là phương tiện mở đường cho các tổ chức tài chính lớn đầu tư tiền số mà không cần sở hữu chúng trực tiếp.
Chuyển động đi ngang của BTC tương ứng với xu hướng dòng tiền chuyển từ lưu ký tư nhân sang các sàn giao dịch. Đây cũng là dấu hiệu phản ánh sự tích lũy của "cá mập". Dữ liệu được theo dõi bởi IntoTheBlock cho thấy, các ví nắm giữ Bitcoin trị giá từ 100.000 đến 10 triệu USD đã tăng lên trong quý trước.
BTC ghi nhận giá 73.750 USD vào giữa tháng 3. Đây là lần đầu tiên đồng tiền này đạt mức cao nhất mọi thời đại, diễn ra trước cả sự kiện halving. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến Bitcoin yên ắng dù halving diễn ra gần hai tháng. CoinTelegraph cho rằng halving lần này đã bị lu mờ bởi những tin tức về các quỹ ETF Bitcoin giao ngay. Do đó, sức ảnh hưởng của sự kiện cũng nguội bớt.
Các nhà phân tích của JP Morgan nêu quan điểm Bitcoin sẽ không tăng sau sự kiện halving vì hoàn thành chu kỳ định giá trước đó. Còn Goldman Sachs nói thêm rằng để Bitcoin tăng giá như những đợt halving trước, các điều kiện vĩ mô cần hỗ trợ cho nhà đầu tư để họ có tâm lý chấp nhận rủi ro.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nêu quan điểm, thị trường tiền số không chỉ bị chi phối bởi các "cá mập". James Van Straten - nhà phân tích tại Crypto Slate, cho rằng các nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm phần áp đảo. "Họ lớn hơn nhiều so với các quỹ ETF", ông nhấn mạnh.
Việc các "cá mập" gom hàng cũng chứng tỏ nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ lượng lớn Bitcoin trong tay, đủ để bán cho các quỹ ETF. Theo chuyên gia, Bitcoin đã tăng 60% tính từ đầu năm, mức sinh lời đáp ứng kỳ vọng của đại đa số nên các nhà đầu tư cá nhân đang thế chốt lời. Điều này tạo áp lực lên giá Bitcoin.
Theo nhà phân tích Eric Balchunas của Bloomberg, những người nắm giữ BTC bằng đòn bẩy có thể đang bán, làm giảm tác động của dòng vốn ETF. Ông quan sát được rằng, mỗi khi các quỹ ETF ghi nhận tiền vào ròng, lại xuất hiện lực bán mạnh trên thị trường. Sự cân đối giữa hai bên khiến Bitcoin đứng yên quanh vùng giá 60.000-72.000 USD suốt thời gian qua.
Tiểu Gu (theo CoinTelegraph, TradingView)