Báo cáo thị trường được Counterpoint Research công bố cho thấy doanh số điện thoại thông minh toàn cầu đạt 328 triệu máy trong quý I/2022, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái và 12% so với quý trước.
Tương tự, thống kê của hãng nghiên cứu Canalys cũng thể hiện sự sụt giảm 11% của thị trường này trong quý vừa qua so với quý I/2021.
Các báo cáo đều cho thấy thị trường smartphone toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm nhất là tình trạng khan hiếm linh kiện, sự bất ổn về địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới, cũng như nhu cầu của người dùng.
Sụt giảm mạnh nhất thuộc về các hãng điện thoại Trung Quốc, với những cái tên nổi bật như Xiaomi, Oppo, Vivo. Doanh số của ba hãng này lần lượt là 39 triệu, 30,9 triệu và 28,6 triệu máy, đều giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Counterpoint.
Các hãng smartphone này vốn kinh doanh tốt tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, chính sách phòng chống dịch khiến cho nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm. Thị trường smartphone Trung Quốc đạt đỉnh vào trước Tết Nguyên đán, sau đó liên tục giảm qua từng tuần.
"Chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt tại nước này đã dẫn đến việc đóng cửa ở các thành phố lớn, tác động tới thị trường tiêu dùng trong ngắn hạn", chuyên gia Toby Zhu của Canalys cho biết.
Trung Quốc cũng là nơi cung ứng một lượng lớn linh kiện điện thoại cho toàn cầu. Ông Zhu cho rằng, sự gián đoạn trong việc sản xuất linh kiện và hậu cần có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường smartphone trên toàn thế giới trong quý II năm nay.
Bên cạnh đó, lạm phát tại một số nơi cũng khiến nhu cầu mua điện thoại ở phân khúc thấp bị ảnh hưởng. Một số hãng phải điều chỉnh kế hoạch phân phối ở tầm vĩ mô. Ví dụ, Xiaomi đã giảm lượng cung ứng smartphone cho thị trường châu Phi và Trung Đông, dẫn đến doanh số của hãng tại đây giảm 30%. Kết quả tương tự cũng diễn ra với Transsion, tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu điện thoại giá rẻ như Tecno Mobile, Infinix Mobile, Itel mobile.
Theo Counterpoint, việc phải tranh giành linh kiện trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến các hãng Trung Quốc gặp khó khăn trong quý vừa qua. Oppo bị ảnh hưởng nhiều hơn trong làn sóng Omicron, đặc biệt là tại những thị trường trọng điểm như Ấn Độ. Vivo vươn lên dẫn đầu thị trường nội địa, nhưng lại chứng kiến sự sụt giảm trên toàn cầu.
Trong khi đó, Samsung và Apple có những dấu hiệu kinh doanh tích cực hơn, do phần nào kiểm soát được nguồn cung ứng. Samsung xuất xưởng 74 triệu điện thoại, giảm 3% so với năm ngoái., còn Apple là 59 triệu chiếc và giảm 1%, theo Counterpoint.
"Samsung dường như đã khắc phục được tình trạng thiếu linh kiện ảnh hưởng đến nguồn cung của họ vào năm ngoái. Bằng chứng là sự tăng trưởng trong các lô hàng xuất xưởng, dù sản phẩm cao cấp ra mắt muộn hơn năm trước", công ty phân tích thị trường này đánh giá.
Trong khi đó, Apple có mức tăng trưởng khả quan nhất, do nhu cầu dòng iPhone 13 vẫn ở mức cao và và sự ra mắt sớm của iPhone SE 5G, giúp tăng khả năng cạnh tranh ở phân khúc tầm trung.
Ngoài thiếu hụt linh kiện, giới phân tích lo ngại xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ đặt ra thách thức mới đối với sự phục hồi của thị trường điện thoại toàn cầu. "Tác động có thể lan rộng khi nguồn nguyên liệu thô giảm, giá tăng, áp lực lạm phát và các nhà cung cấp rút khỏi Nga", Giám đốc nghiên cứu Jan Stryjak của Counterpoint nhận định.
Lưu Quý