Theo thống kê của Counterpoint Research, doanh số smartphone toàn cầu năm 2021 đạt 1,39 tỷ chiếc, tăng 4% so với năm 2020. Đây cũng là lần tăng đầu tiên của thị trường di động sau bốn năm giảm, kể từ năm 2017.
Trước đó, thị trường từng có giai đoạn tăng trưởng liên tục, đạt đỉnh 1,566 tỷ máy vào năm 2017. Sự bão hòa về nhu cầu smartphone kết hợp đại dịch đã khiến doanh số giảm mạnh, còn 1,33 tỷ chiếc vào năm 2020 trước khi tăng trở lại. Dù tăng, doanh số smartphone năm 2021vẫn thấp hơn trong giai đoạn từ 2015 đến 2019.
Theo nhà phân tích Singh Walia của Counterpoint, góp phần lớn cho sự tăng trưởng năm qua đến từ các thị trường Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và Ấn Độ, trong khi Trung Quốc lại giảm nhẹ.
Tại châu Mỹ, nhu cầu điện thoại tăng trở lại sau giai đoạn đại dịch năm 2020, tập trung vào loạt iPhone 12 với kết nối 5G. Tại Ấn Độ, sự xuất hiện của nhiều mẫu điện thoại giá tốt trong các phân khúc từ tầm trung đến cao cấp kéo theo nhu cầu đổi mới điện thoại của người dùng. Trong khi tại Trung Quốc, sự thiếu hụt linh kiện dẫn đến nhiều mẫu máy khan hàng, đồng thời chu kỳ nâng cấp thiết bị của người dân ngày càng được kéo dài.
"Sự phục hồi của thị trường còn có thể tốt hơn nữa nếu không xảy ra việc thiếu linh kiện vào nửa cuối 2021", nhà phân tích Singh Walia nhận định. Theo chuyên gia này, tình trạng trên cũng khiến các hãng lớn ngày càng giành thị phần của hãng nhỏ do kiểm soát được nguồn cung ứng linh kiện tốt hơn.
Báo cáo của Counterpoint cũng cho thấy năm hãng lớn nhất gồm Samsung, Apple, Xiaomi, Oppo và Vivo đều chứng kiến mức tăng trưởng từ 6% (Samsung) đến 31% (Xiaomi). Doanh số chung của các hãng còn lại giảm 18%. Samsung hiện vẫn là thương hiệu smartphone có doanh số tốt nhất năm 2021 với 270,7 triệu chiếc. Đứng thứ hai là Apple với 237,9 triệu chiếc.
Nhận định về tương lai, Giám đốc nghiên cứu Jan Stryjak cho rằng "có lý do để lạc quan về sự tăng trưởng năm 2022", khi thế giới dần vượt qua đại dịch, đồng thời tình trạng thiếu hụt nguồn cung được cho là sẽ kết thúc vào giữa năm nay.
Lưu Quý