Khái niệm thú cưng hay chức năng giữ nhà, không đủ nội hàm trong cảm thức của người yêu chó. Họ nuôi chó như một cách cho đi tình thương và để nhận về sự xoa dịu, nuôi chó để hoài niệm ký ức tuổi thơ, lại có người nuôi chó để bớt cô đơn trong chính căn nhà của mình. Lão Hạc của Nam Cao cũng không nuôi chó để giữ nhà, lão nuôi vì lẻ bạn.
Thích nuôi chó để bầu bạn nhưng không dám nuôi vì biết trước sau gì cũng mất là suy nghĩ của không ít người Việt khi sống ở Việt Nam. Phải nói rõ như thế bởi thực tế này có lẽ chỉ là tiểu tiết giữa muôn vàn vấn đề của xã hội. Tuy nhiên, chớ xem thường một hạt cát khi nó ở trong chiếc giày của bạn, đừng coi nhẹ một cây kim khi nó ở trong túi áo của bạn.
Ngày lại ngày, ta chứng kiến rất nhiều những sự việc đau lòng, thiếu nhân văn, kém văn hoá liên quan đến hành vi trộm chó, ứng xử của người mất chó... Đại loại như: Vì chó mà đánh chết người trộm chó liệu có còn nhân đạo?
Tưởng dễ mà không dễ trả lời vì chỉ nhìn từng ấy thôi sẽ không thấy hết những tật nguyền về mặt nhận thức của con người trong xã hội. Câu hỏi đặt ra: Đủ sức vóc để câu trộm chó sao không đi lao động tay chân chính đáng giữa ban ngày? Câu chó dễ kiếm tiền hơn lao động tay chân? Loại người không bỏ sức mà muốn có thành quả, và xem nhẹ cảm xúc của người khác liệu có phải là một loại ăn bám? Được làm người sao lại hành động như một loài vô cảm nào đó? Chó là loài vật nghĩa tình với con người, lịch sử thuần dưỡng của cha ông hàng nghìn năm có phải để biến loài vật này thành thực phẩm?
>> Bị xem như kẻ vô hình vì 'khẩu chiến' về thịt chó với sếp
Cơn giận của một người không làm chết tên trộm, nhưng, trong ám ảnh của sự tình mấy chục năm nuôi chó và mất chó, cơn giận của đám đông "tức nước vỡ bờ" dễ trở thành vô thức và tàn nhẫn. Chuyện nào của riêng ai! Và, kẻ trộm không phải đang đánh cắp một con chó, mà đang huỷ hoại người bạn của con người, hơn thế, cướp đi của con người một chỗ dựa.
Người hiện đại rất dễ cô đơn và tổn thương trong mối quan hệ người - người, chó đã có mặt như một sự xoa dịu. Nó nằm đó, trong tình trạng ngái ngủ và dặt dẹo chỉ để chờ chủ về. Cái đuôi vẫy là niềm vui vô điều kiện, ánh mắt là trìu mến, chiếc lưỡi ấm khi liếm tay chủ là vuốt ve, và tiếng rít biết ơn từ trong cổ họng qua nghìn năm là ân tình của chó.
Rồi chỉ một sáng thức giấc, chỗ dựa đó của con người không còn nữa.
Trong cô đơn, họ sẽ lại ấp ủ ý định nuôi một con chó mới để lại được vỗ về, nhưng... người ta sợ tổn thương lần nữa. Mà không phải sợ, họ biết chắc chắn, chó được nuôi chỉ để vào rọ của bọn bất lương.
Cả nước diễn ra tình trạng người bị mất chó. Không có chỗ bình yên cho người bạn bốn chân nương náu. Hơi đâu để tâm đến xúc cảm người mất chó? Làm sao để nghĩ được nhiều hơn cho con người đây khi họ chỉ bấu víu được vào một thứ duy nhất: Mong ai đó ăn cắp về nuôi, không xẻo thịt bạn của mình.
Thật thương tâm khi phải nói thật với họ rằng: Còn người ăn thịt những con chó không rõ nguồn gốc thì sẽ còn người mất chó.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Thu Hà