Phiên đầu tuần, VN-Index mất hơn 48 điểm (3,92%) - phiên giảm mạnh nhất kể từ 15/4. Chỉ số của HoSE cũng lùi về dưới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm - mức diểm được xem là vùng hỗ trợ quan trọng của thị trường.
Nói với VnExpress cuối phiên giao dịch này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, cho rằng diễn biến tiêu cực trên khắp các thị trường tài chính toàn cầu, lo ngại khủng hoảng kinh tế, cho tới căng thẳng địa chính trị đã ảnh hưởng tâm lý thị trường. "Hiệu ứng tâm lý khiến nhà đầu tư ồ ạt bán tháo", ông nói.
Việc chỉ số rơi những nhịp nhanh với biên độ cao trong phiên, theo chuyên gia này, không đến từ động thái bán giải chấp. Thay vào đó, lo ngại thị trường sẽ xấu hơn, cắt lỗ chủ động hoặc chốt bớt các khoản đầu tư còn có lãi đã khiến áp lực bán tháo tăng vọt.
"Tôi không nghĩ nguyên nhân đà giảm đến từ việc force sell (bán giải chấp bắt buộc) từ công ty chứng khoán, mà đó là áp lực bán chủ động của nhà đầu tư", ông Minh đánh giá.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS), cũng nhìn nhận điểm số trượt sâu nhưng thanh khoản không tăng thể hiện sự chủ động rút lui của dòng tiền, đồng thời cho thấy lực cầu đang ở trạng thái thụ động.
Theo nhóm phân tích VCBS, diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á đang tương đối tiêu cực có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến hành động của nhà đầu tư. Ngoài ra, hiện tượng cơ cấu nhiều tài khoản chứng khoán cũng gia tăng tác động xấu lên thị trường.
Cùng quan điểm, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) lý giải VN-Index tiêu cực khi chịu ảnh hưởng từ thị trường tài chính toàn cầu. Trong nước, áp lực giải chấp dư nợ margin và cắt lỗ cũng gia tăng mạnh.
Đánh giá về ngắn hạn, các chuyên gia cùng cho rằng rủi ro vẫn hiện hữu. SHS nêu quan điểm chứng khoán sắp tới sẽ duy trì tiêu cực khi không giữ được vùng hỗ trợ tâm lý mạnh quanh 1.200 điểm. Trong kịch bản xấu, chỉ số có thể tiếp tục điều chỉnh về 1.150-1.170 điểm, tương ứng vùng giá thấp nhất kể từ tháng 4.
Cũng dự báo thị trường giảm, ông Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu và Đầu tư thuộc Công ty FIDT, cho rằng xác xuất cao VN-Index sẽ tạo đáy thành công tại khu vực hỗ trợ 1.200-1.220 điểm trong tuần này và thị trường tiếp tục tích lũy khu vực 1.220-1.260 điểm. Tuy nhiên chuyên gia này vẫn không loại trừ kịch bản xấu hơn rằng chỉ số tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ rất mạnh 1.180-1.200 điểm, sau đó tích lũy tương đối lâu khu vực 1.200-1.240 điểm.
Dù với kịch bản nào, các rủi ro hiện hữu cho chứng khoán vẫn là động lượng thị trường xấu, áp lực call margin (lệnh gọi ký quỹ) chéo tiếp tục xảy ra. Song song đó, căng thẳng địa chính trị Israel - Iran leo thang, rủi ro kinh tế Mỹ suy thoái nhẹ và việc thắt chặt chính sách tiền tệ bất ngờ của ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng tạo áp lực cho VN-Index tuần này.
Theo nhóm phân tích FIDT, với biến động thị trường tiếp tục cao trong ngắn hạn, dòng tiền lớn chưa gia nhập mạnh, đặc biệt áp lực bán chéo tiếp diễn có thể dễ dàng đẩy rủi ro danh mục đầu tư gia tăng bất ngờ.
"Nên ưu tiên vị thế phòng thủ với tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, cân bằng tỷ trọng cổ phiếu an toàn với cổ phiếu đầu cơ, tránh sử dụng đòn bẩy trong thời gian này", ông Đoàn Minh Tuấn nhấn mạnh.
Trong khi đó, ở góc nhìn tích cực hơn, Giám đốc phân tích của Yuanta cho rằng áp lực giảm sẽ không quá mạnh như thời điểm Covid-19 và giai đoạn nửa cuối năm 2022.
"Áp lực tâm lý khiến đà bán tháo lan rộng đẩy VN-Index và hàng loạt cổ phiếu giảm sâu hôm qua. Nhưng điều này đồng thời cũng tạo ra một mặt bằng định giá hấp dẫn hơn nếu xét khung đầu tư trung - dài hạn", ông Minh nhận xét.
Theo chuyên gia này, định giá P/E của thị trường sau phiên giảm sâu này cũng đã về thấp hơn 11 lần - đây là con số hấp dẫn để đầu tư. Đồng thời, các yếu tố cơ bản của thị trường và nền kinh tế hiện tại cũng không cho thấy diễn biến nào quá xấu.
"Tôi không nghĩ rằng VN-Index sẽ chốt năm nay dưới 1.200 điểm. Áp lực bán tháo có thể diễn ra trong cục bộ vài phiên nhưng nền tảng nội tại và định giá hấp dẫn có thể giúp thị trường trở lại", ông Minh nói.
Minh Sơn - Tất Đạt