Thẩm tra dự án luật sửa đổi hồi tháng 8, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ giải trình bổ sung chế độ trợ cấp gia đình, phụ cấp con cái người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Chính sách sẽ góp phần trợ lực lao động nuôi con, giữ chân họ ở lại hệ thống an sinh thay vì rút bảo hiểm một lần.
Tuy nhiên, tại dự thảo mới nhất giữa tháng 9, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chưa bổ sung chính sách này. Bộ cho biết đã đề xuất đưa vào trong quá trình xây dựng dự luật, song khi bàn thảo thì Chính phủ quyết định chưa bổ sung do thiếu nguồn kinh phí.
Nếu bổ sung, khoản này sẽ chiếm khoảng 0,7-1,2% GDP, theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Ngân sách nhà nước chưa thể cân đối được khoản chi trả này. Kinh phí nếu trích từ Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ phải tăng tỷ lệ đóng của lao động lẫn chủ sử dụng. Điều này không phù hợp khi mức đóng hiện hành đã khá cao và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Nếu dùng nguồn từ các quỹ ngắn hạn như Ốm đau thai sản, Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng không phù hợp bởi đã tính toán cân đối thu - chi. Các quỹ này hiện kết dư lớn vì chưa thực hiện đầy đủ chính sách quy định.
Theo cơ quan soạn thảo, bổ sung quyền lợi là tốt nhưng phải dựa trên khả năng đóng góp của người lao động, chủ doanh nghiệp và cân đối của ngân sách nhà nước. Trợ cấp gia đình, trẻ em dù chưa đưa vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nhưng đã lồng ghép trong nhiều chính sách khác.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng dẫn chứng một số quốc gia có điều kiện kinh tế hơn Việt Nam song cũng chưa thực hiện một số chế độ bảo hiểm cơ bản. Ví dụ, Malaysia chưa thực hiện chế độ ốm đau, thai sản dù mức đóng BHXH 26,7%. Nếu lao động ốm đau, nghỉ thai sản thì chủ sử dụng trực tiếp chi trả kinh phí. Một số nước khác, chủ sử dụng cũng chi trả cho chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thẩm tra tờ trình mới nhất, Ủy ban Xã hội bảo lưu quan điểm bổ sung trợ cấp như miễn phí tiêm chủng, hỗ trợ học phí cho con em lao động tham gia BHXH tự nguyện nhằm thu hút lực lượng này vào hệ thống. Thống kê cuối năm 2022 mới có hơn 1,4 triệu người tham gia hệ thống (khoảng 2%), trong khi lực lượng phi chính thức chiếm trên 60% lao động trong độ tuổi.
Cơ quan này đồng thời cho rằng, chế độ trợ cấp thai sản với lao động đóng BHXH tự nguyện thiên về lợi ích vật chất được hưởng, chưa chú trọng các chế độ quan trọng với lao động nữ như nghỉ việc đi khám thai, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh. Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu vấn đề này, đồng thời nâng trợ cấp thai sản một lần cao hơn 2 triệu đồng vì mức này chưa phù hợp thực tế khi đã triển khai từ năm 2015.
Trước đó góp ý dự luật, ILO tại Việt Nam cũng như nhiều chuyên gia khuyến nghị cơ quan quản lý bổ sung chính sách trợ cấp trẻ em hoặc gia đình vào hệ thống an sinh nhằm mở rộng diện bao phủ. Với gia đình có con đi học hoặc người phụ thuộc như bố mẹ già, một số nước có chính sách miễn giảm học phí cho con cái, đổi lại người lao động phải tham gia BHXH. Đơn cử, Trung Quốc hỗ trợ tiền cho bố mẹ già để con đóng BHXH.
Nghiên cứu công bố năm 2022 của ILO chỉ ra diện bao phủ BHXH của lao động Việt Nam năm 2019 đạt mức cao nhất ở cả nam lẫn nữ độ tuổi 20-30, riêng nữ giới đạt gần 59% khi họ 26 tuổi. Nhưng sau đó, độ bao phủ giảm dần còn 20,3% với phụ nữ và 16,6% với nam ở độ tuổi 45-49. Điều đó chứng tỏ nữ giới tham gia BHXH từ sớm nhưng đến thời điểm nhất định sẽ ngừng tham gia.
Phần lớn người rút BHXH một lần là nữ dưới 35 tuổi và khoản tiền trở thành nguồn kinh phí nuôi dạy trẻ em hoặc chi tiêu sinh hoạt. Đóng BHXH cũng khiến thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình lao động giảm trung bình 8,2%. Thêm trợ cấp trẻ em sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính này.
Gần 30 năm thực hiện, chính sách BHXH đến nay mới bao phủ hơn 17 triệu lao động, chiếm 37% lực lượng lao động trong độ tuổi. Thống kê giai đoạn 2016-2022, gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025.
Hồng Chiêu