Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020, Chính phủ cho biết sẽ huy động gần 460.000 tỷ đồng để cân đối cho ngân sách trung ương. Khoản vay này sẽ dành 217.000 tỷ đồng cho bù đắp bội chi ngân sách trung ương; 9.100 tỷ đồng nhận nợ bảo hiểm và 217.000 tỷ đồng trả nợ gốc ngân sách trung ương.
Bên hành lang Quốc hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ xác nhận với VnExpress "đây là khoản vay nằm trong kế hoạch ngân sách 5 năm, kế hoạch hàng năm dành để trả nợ gốc, bù đắp bội chi". Theo ông, thực tế vừa qua việc vay dùng để trả nợ đã làm tốt hơn trước khi kỳ hạn dài hơn và lãi suất thấp...
Ông Huệ đơn cử, giai đoạn 2015- 2016 nợ công là 64,8% sát trần 65% GDP Quốc hội cho phép. Tỷ lệ trả nợ cũng vượt giới hạn an toàn (25%), đạt 27,6% trên tổng thu ngân sách. Nhưng hiện tỷ lệ này còn 56,1% năm 2019 và năm 2020 dự kiến là 54%. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách hiện là 18%. "Có những thời điểm trước kia tỷ lệ nợ sát ngưỡng trần Quốc hội cho phép, nhưng nhờ cơ cấu lại các khoản vay, trả hợp lý nên nợ công đã giảm", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cơ cấu vay nợ cũng chuyển dịch tăng vay trong nước. "Trước vay 100 đồng thì huy động từ trong nước chỉ 40 đồng, nước ngoài là 60. Giờ tỷ lệ này đảo ngược lại 60/40", ông nói. Tăng vay trong nước giúp Việt Nam tránh được đáng kể rủi ro tỷ giá. "Nếu vay ngoại tệ, khi tỷ giá tăng thì nợ cũng tăng theo. Còn vay trong nước không bị ảnh hưởng, tránh rủi ro tỷ giá", Phó thủ tướng nhận xét.
Ngoài ra, các nguồn huy động cũng có sự thay đổi. Trước đây trái phiếu Chính phủ hút vốn 80% là từ các ngân hàng, tổ chức tài chính, thì hiện đã giảm một nửa. Các khoản vay hiện được huy động chủ yếu từ các nguồn bảo hiểm, quỹ đầu tư... với kỳ hạn dài hơn, lãi suất hấp dẫn hơn. Chẳng hạn, kỳ hạn trái phiếu phát hành năm 2018 bình quân là 13,6 năm, gấp hơn 4 lần cách đó 3 năm. Thậm chí có loại trái phiếu kỳ hạn kéo dài 20, 30 năm. Lãi suất trái phiếu vài ba năm trở lại đây đã giảm mạnh, từ mức 12% một năm giai đoạn 2011-2013 về quanh 5% vào 2017-2019.
Nhưng không phải không có những quan ngại về rủi ro, khi tỷ lệ trả nợ trực tiếp so với thu ngân sách của Chính phủ năm 2020 sẽ khoảng 23%, tiến gần ngưỡng 25% Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong khi giải ngân vốn đầu tư công, ODA ì ạch đang là điểm nghẽn làm giảm hiệu quả đồng vốn đầu tư phát triển, tăng trưởng.
Cho rằng việc vay gần 460.000 tỷ đồng là "không đáng lo khi đã nằm trong kế hoạch cân đối thu - chi", nhưng ông Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế nói quan trọng hơn là "tiền vay phải được đưa vào đầu tư, có hiệu quả thì mới đóng góp vào tăng trưởng GDP".
Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế nhắc lại hiện trạng giải ngân vốn đầu tư công rất chậm vừa qua như là điểm nghẽn khiến hiệu quả đồng vốn đầu tư thấp. Số liệu của Chính phủ báo cáo Quốc hội cho thấy, hết tháng 9 số vốn giải ngân mới đạt hơn 192.130 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch Quốc hội giao, thấp nhất là giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, ODA.
Có những địa phương tới giữa năm mới nhận được kế hoạch giao vốn đầu tư công trung hạn của cả năm. Với thời gian còn lại chỉ vài tháng sẽ không kịp làm thủ tục triển khai, giải ngân vốn. Tiền có nằm trong két mà cứ tắc không thể chi ra được.
Thậm chí có dự án hạ tầng trọng điểm, như tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, vốn bố trí cho dự án này khoảng 7.000 tỷ đồng nhưng giải ngân từ đầu năm nhỏ giọt. Việc vướng thủ tục thẩm định điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 17.400 tỷ đồng lên trên 47.000 tỷ đồng đang được UBND TP HCM thực hiện, nên dự án chưa đủ điều kiện được bố trí vốn từ ngân sách Trung ương. Không dưới 2 lần, TP HCM phải có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền kiến nghị Trung ương cấp phát để chủ đầu tư có tiền, kịp trả cho nhà thầu thi công.
Đầu tư công hiện chiếm gần 11% giá trị GDP, và khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội 2019. "Vốn là yếu tố quan trọng của tăng trưởng, nếu giải ngân chậm sẽ ảnh hưởng trực diện tới tăng trưởng kinh tế. Vốn vay về không giải ngân được, lại nằm trong kho bạc, trong khi lãi suất vay cao, giải ngân vốn chậm sẽ ảnh hưởng trực diện tới tăng trưởng kinh tế", ông Sinh nhận xét.
Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế góp ý, Chính phủ phải tính toán rõ lộ trình sử dụng vốn vay để không ứ đọng mà được đưa ngay vào đầu tư phát triển. "Huy động vốn phải cùng nhịp với giải ngân thì mới đem lại hiệu quả trên từng đồng vốn vay. Nếu không phần đóng góp vào tăng trưởng sẽ giảm đi", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, một thành viên Uỷ ban Tài chính ngân sách lại e ngại về rủi ro thanh khoản khi nghĩa vụ trả nợ đến hạn của Chính phủ tăng dần, năm 2019 là 193.000 tỷ đồng, tăng lên 242.000 tỷ vào 2020 và khoảng 274.000 tỷ đồng vào năm 2021. Khi đó phát hành trái phiếu lượng lớn, huy động ồ ạt, lãi suất thấp đi sẽ không hấp dẫn đối tượng mua trái phiếu.
Rủi ro khác nữa là lãi suất danh mục nợ nước ngoài tăng lên, từ 8,8% năm 2015 lên 11,4% năm 2019. Với điều kiện thị trường vốn quốc tế thắt chặt hơn, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ cũng tăng tương ứng.
Về điều này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM – Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục kiểm soát chi chặt chẽ hơn để kéo giảm bội chi ngân sách. "Khi nhu cầu vay của Chính phủ giảm đi, tổng cầu vốn ít đi thì lãi suất vay sẽ giảm", ông Ngân bình luận.
Anh Minh