Tuần dương hạm USS Gettysburg của Mỹ rạng sáng 22/12 bắn nhầm tiêm kích F/A-18F Super Hornet đang hoạt động trên Biển Đỏ, khiến hai thành viên tổ lái phải phóng ghế thoát hiểm. Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), đơn vị đặc trách hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông, cho biết đang điều tra và chưa đưa ra giả thuyết nào về nguyên nhân dẫn tới sự việc.
Bradley Martin, cựu đại tá hải quân Mỹ từng phụ trách tác chiến trên biển, nhận định các vụ bắn nhầm "luôn có nguy cơ xảy ra trong môi trường tác chiến phức tạp và thay đổi nhanh chóng".
"Khí tài hai bên có thể cùng hiện diện trong khu vực giao chiến, còn hệ thống nhận dạng địch - ta (IFF) gặp trục trặc. Thủy thủ đoàn USS Gettysburg khi đó rất có thể đã nhầm lẫn tiêm kích F/A-18F với mối đe dọa nhằm vào nhóm tác chiến tàu sân bay", Martin giải thích.
"Chắc chắn có lỗi con người trong vụ bắn nhầm. Kíp vận hành hệ thống phòng không chỉ có vài phút, thậm chí là vài giây, để đưa ra quyết định và có thể mắc sai lầm", cựu đại tá Mỹ nhận định.
Martin lưu ý rằng lực lượng hải quân Mỹ ở Biển Đỏ đã phải đối phó những đợt tập kích không ngừng của Houthi trong hơn một năm qua, với tần suất giao chiến mỗi tháng nhiều hơn tổng cộng số lần giao chiến trong hàng chục năm trước đó.
"Phần lớn các cuộc đánh chặn đều thành công. Tuy nhiên, số lượng vụ giao chiến càng nhiều, nguy cơ mắc lỗi và trục trặc càng cao", ông nói.
Cựu đại tá Mỹ nêu giả thuyết tiêm kích F/A-18F không bật bộ thu phát IFF. "Lá chắn Aegis trên tàu USS Gettysburg có thể đã đánh giá nó là mối đe dọa, buộc kíp vận hành đưa ra quyết định trong thời gian ngắn để xác định bản chất mục tiêu và liệu có bắn hạ nó hay không", Martin cho hay.
Ông Martin thừa nhận các hệ thống quản lý tác chiến hiện đại như Aegis vẫn không hoàn hảo, đôi khi đưa ra thông tin sai, không nhận dạng được hoặc nhầm lẫn mục tiêu. Sự cố đôi khi bắt nguồn từ lỗi của cả thiết bị và người vận hành.
"Các tình huống nhận diện sai gần như luôn xảy ra khi kíp vận hành phải xác định xem họ đang thấy gì trên màn hình radar trong thời gian rất ngắn, đặc biệt là giữa tình huống giao chiến căng thẳng", Martin nói.
Biển Đỏ là môi trường có mức độ đe dọa cực cao với nhiều loại nguy cơ, một số trong đó rất khó phát hiện và phân loại.
Lực lượng Houthi từng nhiều lần tập kích chiến hạm Mỹ cùng tàu thương mại trong khu vực bằng máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, xuồng tự sát. Các đòn tấn công được tiến hành đồng thời để gây thêm khó khăn cho lưới phòng không của tàu chiến Mỹ, do đó thời gian đưa ra quyết định khai hỏa có thể chỉ là vài giây.
Nhóm phân tích Army Recognition có trụ sở tại Bỉ nhận định tuần dương hạm USS Gettysburg phóng tên lửa vào tiêm kích F/A-18F có thể do hệ thống IFF gặp trục trặc, sự cố liên lạc hoặc lỗi phát sinh từ thuật toán xác định mục tiêu của hệ thống Aegis.
Bộ tư lệnh Không quân hải quân Đại Tây Dương (AIRLANT) của hải quân Mỹ cho biết tiêm kích Super Hornet bị bắn rơi khi đang làm nhiệm vụ tiếp dầu. Chưa rõ chiếc F/A-18F đóng vai trò máy bay tiếp dầu hay đang nhận nhiên liệu từ đồng đội, cũng như có kết nối với máy bay khác vào thời điểm bị bắn nhầm hay không.
Các chuyên gia quân sự Mỹ nói rằng thông tin này càng đặt thêm nhiều dấu hỏi về vụ bắn nhầm. USS Gettysburg được coi là tàu tuần dương lớp Ticonderoga hiện đại nhất của hải quân Mỹ hiện nay, do vừa trải qua đợt nâng cấp sâu về khả năng phòng không. "Tiêm kích F/A-18F làm nhiệm vụ tiếp dầu thường có đường bay cố định, rất dễ nhận biết và không có đặc điểm giống vũ khí đang uy hiếp nhóm tàu chiến", biên tập viên Joseph Trevithick viết trên chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ.
Vụ bắn nhầm làm nổi bật rủi ro tiềm tàng trong hoạt động hiệp đồng liên quân, khi mỗi quốc gia và lực lượng lại có quy trình hành động riêng.
Tại Biển Đỏ, nơi Mỹ và đồng minh đang cùng đối phó nhiều mối đe dọa, hoạt động hiệp đồng càng thêm phức tạp do các bên phải ra quyết định nhanh chóng, trong khi không phải lúc nào cũng có thể duy trì liên lạc và kết nối dữ liệu chiến trường. Đây cũng là khu vực tác chiến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhận dạng sai.
Army Recognition cho rằng con người vẫn là yếu tố chính trong ngăn ngừa các sự cố bắn nhầm, bất chấp tiến bộ về công nghệ và tự động hóa.
"Những hệ thống tiên tiến nhất như Aegis vẫn phụ thuộc vào người vận hành để hoạt động hiệu quả. Trong những giây phút căng thẳng cao độ, các binh sĩ có nguy cơ đưa ra phán đoán sai lầm và gây ra hậu quả nghiêm trọng vốn có thể tránh được", nhóm phân tích Bỉ cảnh báo.
Nguyễn Tiến (Theo TWZ, AFP, AP)