Nhiều người châu Âu đã bày tỏ sự cảm thông đối với thảm cảnh của hàng trăm nghìn người di cư. Cuối tuần qua, trên các sân bóng thuộc giải Bundesliga xuất hiện dòng chữ: "Chào mừng người tị nạn". Đội bóng Bayern Munich tuyên bố họ đang lên kế hoạch lập một trại đào tạo cho trẻ em tị nạn, nơi các em sẽ được tập đá bóng, học tiếng Đức và được ăn ngon mỗi ngày. Hai ngày cuối tuần qua, Đức tiếp nhận 17.000 người nhập cư.
Ở Anh, gần 300.000 người đã ký tên vào bản kiến nghị yêu cầu chính phủ chấp nhận thêm người tị nạn và tăng sự hỗ trợ cho người nhập cư. Tại Barcelona, sau lời kêu gọi của thị trưởng Colau, hàng trăm người dân đã nhường phòng trong căn hộ của mình cho những người được nhập cư.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố rằng đây là vấn đề liên quan đến "những giá trị con người phổ quát", mà nếu như những giá trị này bị phá vỡ "đây sẽ không phải là một châu Âu mà chúng ta mong muốn".
Thụy Điển là một trong vài quốc gia EU hiếm hoi có chung quan điểm với Đức. Nếu xét theo quy mô dân số, Thụy Điển đã tiếp nhận tỉ lệ người tị nạn cao nhất, với hơn 600.000 người nhập cư được phép vào nước này trong năm 2014, theo số liệu thống kê của Eurostat.
Đấu khẩu Đức - Hungary
Tuy nhiên nhiều nhà lãnh đạo các nước EU, trong đó có Thủ tướng Hungary Viktor Orban, cho rằng chính sách nhập cư và hệ thống phúc lợi hậu hĩnh của Đức chính là nguyên nhân khiến dòng người tị nạn đổ về châu Âu ngày một nhiều. Ông Orban thậm chí còn tuyên bố thẳng thừng rằng cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay của châu Âu là "vấn đề của Đức".
Theo luật nhập cư của EU, những người tới nhập cư phải được đăng ký và phân loại ở quốc gia đầu tiên tiếp nhận họ. Sau khi được đăng ký, họ sẽ được kiểm tra để xác minh xem có đủ tư cách xin tị nạn hay không, và nếu không được cấp quy chế tị nạn, họ sẽ bị trục xuất về nước ngay lập tức. Bởi vậy, Hungary cho rằng Đức đang "phá luật" khi ồ ạt tiếp nhận những người nhập cư chưa qua đăng ký và phân loại, trong khi Budapest phải dựng lên hệ thống hàng rào biên giới để ngăn chặn dòng người tị nạn tiến sâu hơn vào châu Âu.
"Người nhập cư bất hợp pháp không được quyền lựa chọn thích đi đâu thì đi, họ phải tuân thủ các quy trình và quy định mà mọi quốc gia EU phải tuân theo", ông Kovacs nhấn mạnh.
Nếu quan điểm này ngày càng trở nên phổ biến hơn ở Tây Âu, nơi các đảng đối lập cánh hữu đang gây sức ép để chính phủ cứng rắn hơn về vấn đề nhập cư, Đức sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc phân bổ người nhập cư đồng đều trên khắp khu vực. Và lúc đó Đức chỉ còn trơ trọi một mình trước khoảng một triệu người di cư trong năm nay, những người một khi đã đặt chân tới châu Âu là không hề có ý quay trở lại, CNN nhận định.
Một cuộc thăm dò ý kiến hồi tuần trước cho thấy đa số người Đức ủng hộ việc giúp đỡ những người tị nạn, và nhiều người dân nước này đã làm việc đó một cách tự phát. Nhưng các chuyên gia lo ngại rằng một khi cơn xúc động trước thảm cảnh của người tị nạn qua đi, người Đức sẽ phải đối mặt với những hậu quả của việc tiếp nhận quá nhiều người nhập cư, lúc đó tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Nguyên nhân chính
Các quốc gia Đông Âu không muốn nhận người di cư bởi điều đó phần nào tác động tới ngân sách của họ. Phần lớn những quốc gia phản đối tiếp nhận người nhập cư là những nước đang gặp khó khăn về kinh tế và xã hội. Hy Lạp đang chìm trong cuộc khủng hoảng nợ công và những bất ổn chính trị tiềm ẩn, khiến họ gần như không có khả năng về kinh tế và nguồn lực để tiếp nhận làn sóng người nhập cư. Ba Lan, Hungary, Tây Ban Nha... cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo phúc lợi xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân. Việc tiếp nhận một số lượng lớn người nhập cư sẽ gây ra gánh nặng rất lớn cho chi tiêu công của chính phủ.
Một lo ngại rất lớn nữa là xung đột về văn hóa và tôn giáo. Phần lớn những người tị nạn là người Hồi giáo đến từ Syria và châu Phi, trong khi người dân và chính phủ các nước châu Âu vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận một cộng đồng Hồi giáo lớn như vậy ngay trong lòng xã hội của mình.
Chính phủ Slovakia tuyên bố họ chỉ chấp nhận người tị nạn Công giáo. Thủ tướng Hungary Orban tuyên bố ở Brussels hôm thứ năm tuần trước: "Tất cả các nước đều có quyền quyết định có muốn sống với một cộng đồng Hồi giáo lớn trong nước mình hay không. Nếu họ muốn, họ có thể. Nhưng chúng tôi không muốn, và chúng tôi có quyền quyết định không muốn có lượng lớn người Hồi giáo trong nước mình".
An ninh là một lý do quan trọng khiến các nước không muốn tiếp nhận người Hồi giáo tị nạn, bởi họ lo sợ rằng, các tổ chức khủng bố ở Trung Đông có thể cài cắm các phần tử cực đoan vào dòng người, và chúng có thể phát động những cuộc tấn công khủng bố ngay trong lòng châu Âu.
"Đây không còn là một cuộc khủng hoảng tị nạn nữa, mà đây là một hijrah", chuyên gia phân tích Robert Spencer viết trên tạp chí Front Page hôm 4/9. "Hijrah" là một học thuyết Hồi giáo về di cư, và là một dạng "thánh chiến ngầm".
"Ra nước ngoài dưới ánh sáng của đấng Allah là di chuyển tới một vùng đất mới để mang đạo Hồi tới đó, và trong đạo Hồi, đây là hành động rất được ca tụng", ông Spencer viết.
Hồi đầu năm, tờ Express của Anh dẫn lời một chiến binh IS cho biết tổ chức khủng bố này đã tìm cách lợi dụng cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay để xây dựng một lực lượng chiến binh trong lòng châu Âu.
"Hãy đợi mà xem, giấc mơ của chúng tôi là không chỉ có một vương quốc Hồi giáo ở Syria, mà trên toàn thế giới, và chúng tôi sẽ sớm đạt được. Họ lên đường như những người tị nạn, và những kẻ tới châu Âu đều đã sẵn sàng", chiến binh này tiết lộ. Theo đó, khoảng 4.000 chiến binh IS đã sẵn sàng xâm nhập vào khắp châu Âu dưới vỏ bọc là những người tị nạn.
Giải pháp hạn ngạch
Hồi tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi áp dụng chính sách "hạn ngạch" mới để phân bổ người tị nạn một cách đồng đều trên 28 quốc gia thành viên EU. Các quan chức ngoại giao EU nói rằng kế hoạch hạn ngạch này có thể giúp phân bổ ít nhất 160.000 người nhập cư trên toàn khối, trong đó các quốc gia lớn hơn, giàu có hơn sẽ tiếp nhận nhiều người nhập cư hơn.
Thế nhưng sáng kiến này vấp phải sự phản đối quyết liệt của các quốc gia thành viên EU ở Trung và Đông Âu, từ lâu đã bày tỏ thái độ cứng rắn trong chính sách nhập cư.
Phát biểu khi đứng cạnh bà Merkel trong một hội nghị tuần trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho rằng "một số nước không muốn có người tị nạn. Các bạn không thể ép buộc được họ", theo CNN. Cho đến nay, Tây Ban Nha mới chỉ đồng ý tiếp nhận chưa đến 3.000 người tị nạn.
Một số chính trị gia cho rằng phần lớn những người di cư tới châu Âu không phải là người tị nạn đang chạy trốn nguy hiểm, mà là những người đang muốn đổi đời về kinh tế. "Quyết định của chúng ta đầu tiên phải có hiệu quả trong việc giúp đỡ những người thực sự cần, chứ không phải cho những kẻ muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu", Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopecz tuần trước tuyên bố.
Những lãnh đạo này lo ngại rằng, một khi các nước châu Âu tiếp nhận người di cư quá dễ dàng, dòng người sẽ lại ùn ùn đổ về, khiến các quốc gia thành viên EU rơi vào tình trạng quá tải người nhập cư.
Trước sức ép của dư luận, một số lãnh đạo châu Âu tỏ sự thay đổi thái độ về chính sách với người xin nhập cư. Thủ tướng Ba Lan Kopacz đã đề cập đến "nghĩa vụ đạo đức trong việc chấp nhận người tị nạn" vào cuối tuần trước, mặc dù ông vẫn phản đối áp hạn ngạch nhập cư bắt buộc. Thủ tướng Anh dè dặt tuyên bố sẽ chấp nhận hàng chục nghìn người nhập cư trong vòng 5 năm tới. Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila tuyên bố rằng ông sẽ nhường nhà của mình cho người tị nạn, khởi đầu phong trào hành động cụ thể của các chính trị gia đưa ra hành động cá nhân để giúp đỡ người di cư, tị nạn.
Tuy nhiên, những hành động cá nhân không thể đủ để cải thiện tình hình. Không một cá nhân hay quốc gia riêng lẻ nào có thể giải quyết được khủng hoảng di cư này nếu thiếu sự nhất trí thực hiện các luật chung của châu Âu về việc tiếp nhận và tạo công ăn việc làm cho người tị nạn, theo Deutsche Welle.
Trí Dũng