Thần đồng Ngụy Vĩnh Khang từng gây chấn động Trung Quốc khi thuộc 1.000 chữ Hán năm hai tuổi, học xong cấp hai khi mới lên bốn tuổi và vào đại học khi 13 tuổi. Đến năm 17 tuổi, cậu được Viện Khoa học quốc gia Trung Quốc đặc cách nhận vào học khóa thạc sĩ liên thông tiến sĩ. Truyền thông nước này đặt cho Vĩnh Khang biệt danh "thần đồng Phương Đông" trăm năm hiếm gặp.
Nhưng khi mọi người tưởng anh sắp tỏa sáng lại bị đuổi học vì không có khả năng tự chăm sóc bản thân.
Hóa ra người mẹ không bao giờ cho Ngụy Vĩnh Khang làm bất cứ việc gì không liên quan đến học hành, cũng như không cho kết bạn. Bà bóp kem đánh răng, giúp con tắm rửa, mặc quần áo, thậm chí cả ăn. Kết quả khi phải xa nhà đi học, anh thường xuyên bị cười nhạo vì đi sai giày, mùa đông vẫn mặc quần áo mỏng manh và không biết giao tiếp với bạn bè, thầy cô hướng dẫn.
Khi con thất bại, mẹ của Vĩnh Khang mới nhận ra cách dạy dỗ sai lầm của mình. Từ đó bà dạy lại con làm việc nhà, tự chăm lo cho bản thân. Sau này Vĩnh Khang bắt đầu sống cuộc đời bình thường, lấy vợ, sinh con, có công việc ổn định, trước khi qua đời vì bệnh năm 2021.
Câu chuyện của Ngụy Vĩnh Khang một lần nữa chứng minh việc dạy con tự lập từ sớm có giá trị to lớn thế nào đến tương lai của trẻ.
Có những kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất
Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ em đã quen với việc được cha mẹ lấy quần áo; chỉ việc ngồi vào bàn ăn mỗi ngày, thậm chí cho sẵn thức ăn vào bát. Một khi có điều gì đó bất ngờ xảy ra, những đứa trẻ này sẽ giống như những con chim lạc mẹ, mất phương hướng, không có khả năng tự sống sót.
Khi bà mẹ Nhật Bản Chie bị ung thư vú tái phát, điều đầu tiên bà nhận ra là dạy con sinh tồn. Dưới sự hướng dẫn của mẹ, bé Hana đã có thể giặt tất khi mới hai tuổi; ép nước trái cây và dọn dẹp khi ba tuổi; nấu soup từ bốn tuổi và nấu ăn ngon từ khi mới năm tuổi.
"Học vấn của con sẽ không hoàn thiện nếu không biết những kỹ năng sinh tồn này. Miễn là con khỏe mạnh và sống độc lập, con có thể sống sót ở bất cứ đâu", chị Chie viết trong nhật ký.
Cô bé Hana đã có thể tự chăm sóc bản thân từ rất sớm, ngay cả khi mẹ qua đời em vẫn có thể sống một cuộc sống tốt đẹp và thậm chí có thể lo liệu cơm ăn, sinh hoạt hàng ngày cho cha. Kỹ năng sinh tồn mới là món quà lớn nhất dành cho con.
Phát triển khả năng học tập của trẻ
Giáo sư Frank Furedi, Đại học Kent (Anh) cho rằng xã hội và gia đình ngày nay đang đào tạo ra một thế hệ trẻ và một số người ở độ tuổi cuối 30 vẫn chưa thể sống độc lập. Lý do cơ bản là đào tạo lý thuyết không đi đôi với thực hành.
Đối với trẻ, việc nhà là một chương trình rèn luyện tốt mọi kỹ năng, phối hợp đồng thời cả tay, não và cơ thể. Ví dụ để con dọn đồ chơi, gập quần áo, cất giày, quét nhà, rửa chén, theo thời gian trẻ sẽ tự động phát triển khả năng logic, tập trung và thực hành để giải quyết vấn đề.
Hôn nhân và gia đình hạnh phúc hơn
Những cặp vợ chồng biết chia sẻ công việc nhà với nhau sẽ có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và lâu dài. Bởi vì những đứa trẻ làm việc nhà từ nhỏ sẽ hiểu được sự vất vả của người khác và có sự đồng cảm, biết ơn, biết cách làm đối tác của họ hạnh phúc.
Một nghiên cứu của Đại học Minnesota (Mỹ) cách đây 30 năm đã nêu rằng nếu trẻ bắt đầu làm việc nhà khi 15, 16 tuổi thường phản tác dụng, vì sẽ cảm thấy đó là một kiểu ép buộc và không đạt được hiệu quả như việc bắt đầu sớm.
Trẻ em có khả năng tự nhận thức cơ bản từ 2-3 tuổi. Đây là độ tuổi trẻ bắt chước, cha mẹ nên để trẻ bắt đầu một số công việc nhà trong khả năng của mình.
Nhà tâm lý học Edward Seidel cho biết con người giống như đồ gốm, tuổi thơ giống như đất sét dùng để làm đồ gốm. Việc giáo dục như thế nào sẽ nặn ra hình hài thế ấy. Cho dù bạn có làm gì cho con thì trước hết dạy con một kỹ năng sẽ có ích cho con trong suốt cuộc đời.
Bảo Nhiên (Theo Aboluowang)