Sa thải một HLV, về cơ bản, sẽ chẳng mang lại cho đội bóng ích lợi về lâu dài. Tuy nhiên, đó lại là thực trạng của môi trường bóng đá chuyên nghiệp hiện nay. Các chiến lược gia được thuê về, và được tung hô, nhưng rồi chỉ một vài trận thi đấu sa sút, các CĐV nhanh chóng quay sang la ó và HLV luôn phải đối mặt với nguy cơ trả giá bằng chính công việc của họ.
Trong tất cả các đội xuống hạng ở năm giải bóng đá hàng đầu châu Âu mùa trước, chỉ có Eintracht Braunschweig (Đức) và Real Valladolid (Tây Ban Nha) để yên cho HLV của họ tại vị suốt mùa giải.
12 đội còn lại, dù nỗ lực thay đổi liên tục vị trí thuyền trưởng, kết quả thu được đều không như mong muốn. Mùa giải 2014-2015 chỉ mới diễn ra được vài tuần nhưng đã có vài nhà cầm quân phải rời bỏ vị trí, mà Mirko Slomka của Hamburg là người mới nhất.
Ở Ngoại hạng Anh mùa trước 14 CLB khởi đầu với các HLV mới thì có đến 10 người trong số đó rơi rụng vì kết quả tồi.
Theo một nghiên cứu từ Hiệp hội HLV Anh (LMA), thời gian tại vị trung bình của một HLV tại Ngoại hạng Anh hiện nay chỉ là 1,2 năm. Một nửa số HLV làm việc từ Ngoại hạng Anh đến giải hạng Ba mới nắm quyền chưa đầy một năm. Thậm chí, “tuổi đời” triều đại các HLV còn có xu hướng giảm thêm nữa.
Dẫn dắt các đội ở nhóm cuối bảng xếp hạng là công việc khó khăn nhất. Một mặt các HLV phải cố gắng truyền tải kiến thức chuyên môn và phong cách huấn luyện của họ đến các cầu thủ, mặt khác phải quyết tâm “sống chết” với kết quả của đội bóng. Thông thường, một đội bóng có phong độ bết bát thường nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc suy giảm tinh thần chiến đấu, tính kỷ luật của cầu thủ... mà HLV rất khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn.
Các HLV đến như những "gã thợ hàn", cố gắng làm việc với các cầu thủ không phải do ông ta mua về, cố gắng khắc phục những sai lầm không phải do ông ta gây ra và chống lại áp lực đè nặng lên bản thân. Nếu làm được, HLV đó sẽ thắng và được tung hê chút đỉnh, nhưng khi các cầu thủ sa sút, họ vẫn là người gánh toàn bộ trách nhiệm.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy sự xuất hiện của một thuyền trưởng mới thường mang lại kết quả tốt cho các đội bóng. Từ mùa giải 2008-2009 đến nay, có 42 HLV được bổ nhiệm khi mùa giải đang diễn ra và họ kiếm được nhiều hơn 57 điểm so với những người tiền nhiệm tính trong ba trận gần nhất. Như vậy, trung bình một HLV mới sẽ kiếm được nhiều hơn người tiền nhiệm 1,3 điểm trong ba trận.
Thành công đó thường không kéo dài lâu. Paolo Di Canio từng cứu Sunderland khỏi rớt hạng vào năm 2013 nhờ cảm hứng của ông, nhưng danh thủ Italy này bị sa thải sau đó không lâu.
Nếu thuê HLV mới có tác dụng ngắn hạn như thế, tại sao các CLB không chọn phương án ký hợp đồng trong thời gian ngắn? Họ có thể lên kế hoạch từ đầu mùa giải, với những mục tiêu ngắn kéo dài một tháng. Hợp đồng thời hạn ngắn có thể giúp HLV chủ động về thời gian và quan trọng hơn, cởi bỏ gánh nặng khủng khiếp mà họ phải chịu khi ký hợp đồng dài hạn.
Khi đó, Giám đốc thể thao của CLB sẽ lo những chuyện hậu cần, còn trợ lý HLV là người quản lý đội bóng khi vị trí thuyền trưởng bỏ trống. Các cầu thủ cũng sẽ không phải bận tâm đến mối quan hệ với HLV để đảm bảo suất đá chính. Lúc này, HLV sẽ trao cơ hội cho tất cả các cầu thủ.
Có thể lấy Chelsea làm ví dụ. Họ thuê rất nhiều HLV, từ dài hạn như Jose Mourinho hay ngắn hạn như Guus Hiddink hoặc Roberto Di Matteo. Về cơ bản, thành công và chiều sâu đội hình hiện nay của Chelsea không do riêng một HLV nào tạo nên. Nó được hình thành nhờ sự đóng góp của nhiều bộ não tài năng.
Thực ra, tất cả các HLV đều muốn trở thành những Jurgen Klopp ở Đức, Arsene Wenger ở Anh hay Diego Simeone ở Tây Ban Nha. Họ muốn tạo cam kết với CLB và xây dựng sự ổn định lâu dài cho đội bóng. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của các CĐV thường có giới hạn và ban lãnh đạo đội bóng không thể ngồi yên khi người hâm mộ hét vào mặt họ.
Các HLV không có cơ hội để chứng kiến triết lý của họ dần thấm nhuần vào các học trò. Do đó, tốt hơn hết họ nên tự giải thoát mình khỏi môi trường làm việc khốc liệt này để chấp nhận sắm vai thợ hàn.