Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có đề xuất gói ngân sách liên bang đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình, với chi tiêu 6.000 tỷ USD cho năm tài chính kết thúc vào tháng 9/2022. Con số này gấp đôi so với chi tiêu liên bang trước đại dịch thời Trump và là mức chi tiêu cao nhất kể từ sau Thế chiến II.
Gói ngân sách này sẽ ưu tiên tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giáo dục và chống biến đổi khí hậu, vốn là các ưu tiên quen thuộc của đảng Dân chủ nhiệm kỳ đầu. Kế hoạch lập tức thu hút sự khen ngợi từ các đảng viên Dân chủ, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Chi tiêu ngân sách liên bang của Mỹ qua các năm (đơn vị: nghìn tỷ USD). Đồ họa: Reuters.
Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện Bernie Sanders cũng gọi đề xuất ngân sách của Biden là "chương trình nghị sự quan trọng nhất cho các gia đình lao động trong lịch sử hiện đại của đất nước chúng ta". Đồng thời vị này cho biết nó sẽ tạo ra hàng triệu việc làm được trả lương cao, đồng thời giảm nghèo.
Ngược lại, mức chi tiêu "khủng" vấp phải sự phản ứng quyết liệt của đảng Cộng hòa. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell nói rằng đề xuất của Tổng thống Biden sẽ khiến các gia đình Mỹ "chìm trong nợ nần, thâm hụt và lạm phát".
Cecilia Rouse, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Biden, cho biết kế hoạch của Biden đã được chuẩn bị trước và chính quyền sẵn sàng sống chung với thâm hụt ngân sách trong bối cảnh lãi suất thấp để đầu tư đáng kể vào nền kinh tế quốc gia. Bà dự đoán thâm hụt sẽ giảm hơn 2.000 tỷ USD trong những năm tiếp theo.
Lãi suất kho bạc đã xuống mức thấp kỷ lục, chi phí đi vay của chính phủ vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Bà Rouse cho rằng lạm phát chỉ tăng đột biến trong ngắn hạn, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế, nhưng dự kiến nó giảm xuống mức hàng năm khoảng 2% theo thời gian. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thì trấn an rằng gói ngân sách sẽ đẩy nợ của Mỹ cao hơn quy mô của nền kinh tế, nhưng không thúc đẩy lạm phát.
Nhưng vấn đề không chỉ thế, đi kèm với đề xuất "ngất ngưởng", Biden lại đưa ra những dự báo rất thận trọng về tăng trưởng. Với gói 1.900 tỷ chi tiêu kích thích bổ sung đã được duyệt vào đầu năm, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 6,4% trong quý I (đã điều chỉnh về cơ sở hàng năm). Theo Fed và các chuyên gia kinh tế, tốc độ này vẫn có thể duy trì trong cả năm.
Tuy nhiên, trong bảng đề xuất ngân sách, chính quyền Biden chỉ dự báo tăng trưởng năm nay ở mức 5,2%. Đáng chú ý hơn, dự báo còn giảm nhanh sau năm tới, chỉ từ 1,8% đến 2% mỗi năm trong giai đoạn 2024 - 2031. Dự báo này là phù hợp với ước tính dài hạn của Fed nhưng nó thấp hơn khoảng 0,25 điểm phần trăm so với dự báo của các tổ chức tư nhân, và thấp hơn một điểm phần trăm so với lần đề xuất ngân sách cuối cùng của chính quyền Trump cách đây 2 năm.
Các nhà kinh tế cho biết, dự báo thận trọng của chính quyền Biden xuất phát từ 2 lực cản mang tính hệ thống đang ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế Mỹ. Đó là dân số đang già đi nhanh chóng và lực lượng lao động không tăng.
Cục điều tra dân số năm 2017 ước tính rằng 20,5% dân số Mỹ sẽ từ 65 tuổi trở lên vào năm 2030, so với khoảng 16,8% vào đầu thập kỷ này. Và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, hiện ở mức 61,7%, gần bằng mức của những năm 1970, dự kiến không phục hồi sau khi sụt giảm vì đại dịch.
Đồng thời, các dự báo của Biden cũng ngụ ý rằng nước Mỹ sẽ cần tăng trưởng năng suất hơn, một phần là nhờ các đề xuất chi tiêu đầu tư của ngân sách. "Nếu không có đầu tư, thì sẽ không có tăng trưởng năng suất", Julia Coronado, Chủ tịch công ty phân tích MacroPolicy Perspectives, cho biết.
Theo bà Coronado, nếu chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng tổng thể thì không cần thiết. "Rất nhiều tranh luận xung quanh kế hoạch của ông ấy, không chỉ là về việc khơi dậy tiềm năng tăng trưởng, mà còn làm cho sự tăng trưởng bền vững hơn, công bằng hơn", bà nói.
Chuyên gia phân tích Roberto Perli của Cornerstone Macro đồng ý. Ông nói, các dự báo tăng trưởng của Nhà Trắng là "thực tế với tiềm năng tăng trưởng", lưu ý rằng dự báo tăng trưởng 2% vào năm 2030 so với tăng trưởng 1,8% vào năm 2025, với lực cản từ nhân khẩu học, cho thấy "họ nghĩ rằng năng suất sẽ tăng qua thời gian."
Một lĩnh vực khác mà chính quyền Biden tỏ ra lạc quan là vấn đề thất nghiệp. Họ dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trung bình năm nay là 5,5%, giảm từ 6,1% hiện tại. Đến năm 2023, họ dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống 3,8% - gần với mức thấp trước đại dịch là 3,5%, và duy trì mức đó đến năm 2031.
Để so sánh thì có thể thấy dự báo này khá lạc quan. Bởi lẽ, Fed dự báo tỷ lệ thất nghiệp dài hạn ở mức 4%. Còn theo khảo sát của các nhà dự báo chuyên nghiệp khác là 4,1% và thậm chí chính quyền của Trump trước đây cũng dự đoán là 4,2%.
Phiên An (theo Reuters)