Hầu hết ai cũng từng đi xe máy rồi mới đi ôtô, và mọi người đều thấy, thi bằng lái xe máy như một kiểu phổ cập giáo dục, bằng cách học thuộc lòng bộ đề thi, vượt qua bài thi sa hình mà chỉ cần tập một vài buổi là xong. Từ người già tới trẻ, phụ nữ tới đàn ông, hầu như ai thi cũng đỗ, trừ những người thần kinh vận động quá yếu, không thể làm chủ tay lái để đi đường số 8.
Và điều quan trọng, không có lớp học kỹ năng điều khiển ngoài đường một cách bài bản. Với ôtô thì ngược lại, mọi thứ phải chuẩn chỉ hơn (mà vẫn còn rất nhiều người lái kém bị gọi mỉa mai là "mua bằng"). Ra đường, dễ dàng bắt gặp cảnh xe máy cứ lừ lừ từ bên phải rẽ chéo một phát nhanh như cắt sang trái mà không xi-nhan, không quay đầu nhìn. Cũng dễ dàng bắt gặp một cô, cậu học sinh cấp ba hoặc sinh viên đi xe máy lề rề như xe đạp nhưng ở sát dải phân cách.
Nhiều người lái xe máy hàng chục năm nhưng hầu như chẳng biết gì về luật, vì vậy họ tham gia giao thông một cách tùy tiện, gần như là chỉ biết vận hành cho chiếc xe di chuyển theo ý mình. Rất nhiều người đi xe máy không biết như thế nào là hướng ưu tiên, xe nào được phép đi trước, xe nào phải nhường xe nào trong tình huống nào. Rất nhiều tai nạn đã xảy ra vì những nguyên nhân này. Ngoài ra, việc không hiểu luật khi tham gia giao thông của đại bộ phận người đi xe máy cũng là một trong nhưng nguyên nhân gây hỗn loạn trên đường phố.
Tôi nghĩ, người lái ôtô và xe máy hay bất cứ phương tiện nào khi tham gia giao thông đều công bằng về mặt luật pháp tức là đều phải học rồi đi thi một cách đàng hoàng. Ý thức cũng phải có nền tảng, xuất phát từ việc biết luật, hiểu luật tự nhiên sẽ có ý thức để tham gia thông an toàn hơn.
Độc giả Vũ Vũ