Điều dưỡng Trần Thu Cúc, khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết suy tim có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, viêm cơ tim. Các vấn đề như bệnh tiểu đường và bệnh thận có thể tạo ra tình trạng tăng áp lực trên tim, gây suy tim.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến suy tim là lượng natri hay muối trong chế độ ăn uống. Điều này đặc biệt quan trọng vì natri có thể làm tăng triệu chứng suy tim. Khi chúng ta ăn nhiều muối hoặc natri, cơ thể tích nước làm tăng huyết áp, gây áp lực nhiều hơn lên tim và thận.
Hiệp Hội Tim Mỹ (AHA) khuyến cáo hạn chế lượng natri tiêu thụ hàng ngày trong khoảng 1.500-2.300 milligram (mg). Natri tự nhiên có trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm hải sản, gia cầm, thịt đỏ, sản phẩm sữa và sản phẩm từ thực vật. Nguồn natri lớn nhất là muối, được thêm vào nhiều món ăn tự làm và hầu hết thực phẩm chế biến.
Chế độ ăn ít natri là biện pháp quan trọng trong quản lý suy tim. Muốn vậy, phải xây dựng thực đơn cân đối, thay đổi thói quen ăn uống và biết cách chế biến thực phẩm giảm lượng natri. Để cơ thể thích nghi với chế độ ăn ít muối cần khoảng 6 đến 8 tuần.
Hạn chế ăn thực phẩm chế biến và đóng gói sẵn, các loại mì và gạo đã gia vị, sốt salad và gia vị, bánh quy và đồ ăn nhẹ khác. Khi mua thực phẩm chế biến hoặc đóng gói sẵn, hãy đọc nhãn dinh dưỡng và chọn lựa sản phẩm ít natri.
Hạn chế lượng muối thêm vào các món ăn tự làm. Thay sốt và sốt mặn giàu natri bằng các loại sốt chua như nước cốt chanh, giấm trái cây hoặc nước cốt dừa. Sốt chua làm dịu vị cay của thực phẩm, tăng cảm giác ngon miệng mà không cần sử dụng nhiều muối.
Ăn đa dạng thực phẩm, bao gồm các loại giàu chất xơ như rau cải, đậu, món nguyên cám và trái cây tươi. Chất xơ giúp thức ăn di chuyển dọc theo đường tiêu hóa, kiểm soát đường huyết và giảm cholesterol trong máu. Cơ thể cần 25-35 g chất xơ mỗi ngày.
Hạn chế đồ uống chứa chất kích thích bởi nó có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và làm tình trạng suy tim trở nên nặng hơn.
Lê Nga