Khi vi phạm các lỗi như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm hoặc đi vào đường cấm, đường ngược chiều, lấn làn, lấn vạch... bị cảnh sát giao thông dừng xe, thay vì xuống xe, xuất trình giấy tờ và chấp hành nộp phạt thì việc đầu tiên nhiều người làm là rút ngay điện thoại để gọi cho người thân cầu cứu.
Việc làm này được lặp đi, lặp lại thành thói quen và dần dà trở nên một thói xấu trong ý thức chấp hành pháp luật nói chung và tuân thủ Luật Giao thông đường bộ nói riêng. Nguy hiểm hơn, tình trạng này sẽ dẫn đến tác hại của việc nhờn luật và hậu quả khá nguy hiểm, gây tai nạn, hiểm họa cho chính cá nhân đó và người tham gia giao thông ngoài xã hội.
Suy rộng ra, chỉ một hành vi nhỏ, nhưng ý thức của không ít người sẽ vô tình tạo thành một tiền lệ xấu trong việc chấp hành luật pháp của nhà nước, tạo nên một xã hội không nghiêm minh, hễ cứ vi phạm là dở ngay chiêu bài nhờ cậy, xin xỏ.
Theo quy định, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông phải nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định của biển báo Luật giao thông đường bộ, kể cả kiểm tra tình trạng xe cộ, phương tiện của mình có đủ điều kiện an toàn để tham gia giao thông hay không. Tuy nhiên thói quen này chúng ta dường như là chưa bao giờ làm.
Mỗi khi bị cảnh sát giao thông bắt lỗi, chúng ta luôn luôn viện cớ nhiều lý do và đưa ra những biện minh cho hành động của mình và tự cho rằng lý do nào cũng là đúng, là phải. Rồi chúng ta vận dụng mọi mối quan hệ trực tiếp của mình hoặc nhờ vả các mối quan hệ gián tiếp của những người thân quen để nhờ can thiệp, xin xỏ, với mong muốn được giải quyết càng nhanh và càng ít chi phí càng tốt.
Đáng lẽ ra khi vi phạm giao thông chúng ta phải hợp tác tích cực bằng cách xuất trình giấy tờ liên quan, ký biên bản và nộp phạt, nhưng thay vì việc đáng làm đó thì chúng ta tìm mọi cách để cãi lại, hoặc đổ lỗi, hoặc gọi điện nhờ vả hoặc đề xuất đưa tiền trực tiếp để khỏi nộp phạt. Ít hoặc hiếm khi chúng ta tự sự lại lỗi lầm của mình, và được tha hoặc bỏ qua lần này thì lần sau chúng ta sẽ lặp lại.
Thay vì tìm hiểu nguyên nhân mình vi phạm chỗ nào, vì sao lại vi phạm để tìm biện pháp khắc phục thì chúng ta lại coi như mình đã có một sự khôn khéo vượt qua vi phạm.
Để một xã hội trở nên văn minh hơn, rất cần ý thức của từng cá nhân con người và rất cần sự nghiêm minh, khắt khe hơn của lực lượng chức năng được giao trọng trách xử lý, giải quyết nhiệm vụ. Có như vậy mới thiết lập được trật tự, kỷ cương của xã hội.
Phú Dũng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.